Thông qua khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Việc thông qua dự thảo khung COC sẽ là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.
Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông bắt đầu được ASEAN thảo luận từ năm 2002, với kỳ vọng xây dựng một văn kiện mang tính ràng buộc để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục trì hoãn việc thảo luận các điều khoản của COC trong nhiều năm qua.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN đẩy mạnh trao đổi với Trung Quốc, sớm khởi động đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý. Phó thủ tướng hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc tiếp tục thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhấn mạnh cần giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao.
Theo Phó thủ tướng, cách tiếp cận phù hợp, thỏa đáng về Biển Đông vừa là đóng góp thiết thực của ASEAN đối với hòa bình, ổn định lâu dài cho khu vực vừa là thước đo năng lực, hiệu quả của ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các hội nghị liên quan lần này diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập tổ chức khu vực này (8-8-1967 – 8-8-2017).
**“Ngôi nhà chung” của hơn 600 triệu dân **
ASEAN hiện là ngôi nhà chung của hơn 600 triệu dân với đa dạng về văn hóa, tôn giáo. Ngôi nhà ấy được xây trong suốt nửa thế kỷ qua bằng những viên gạch vững chắc và công sức của những người “thợ lành nghề”. Trong nửa thế kỷ, ASEAN đã biến Đông Nam Á từ khu vực của chiến tranh, xung đột trở thành khu vực hòa bình, ổn định. Chưa bao giờ Đông Nam Á thịnh vượng như ngày nay, và ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc làm nên bầu trời hòa bình, tươi sáng đó. Đây là giá trị lớn nhất, quan trọng nhất của ASEAN trong 50 năm qua.
Đặc biệt, ASEAN có sức hấp dẫn đối với tất cả các nước có quan hệ kinh tế với Hiệp hội, bởi ASEAN tạo dựng được một mạng lưới liên kết kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do, tạo dựng được thị trường ba tỷ dân, với tổng sản phẩm quốc nội đạt 20 nghìn tỷ USD. Đó là mối quan hệ kinh tế mà các tiểu khu vực khác khó đạt được so với ASEAN.
Hiện ASEAN đang đứng trước ngưỡng cửa của những thay đổi có tính cơ bản từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Trong bối cảnh đó, để có thể tận dụng các cơ hội, ứng phó kịp thời các thách thức, tất cả các nước thành viên cần có cam kết chính trị mạnh mẽ hơn nữa, đề cao đoàn kết và liên kết nội khối, triển khai nghiêm túc các chương trình và kế hoạch đặt ra một cách hiệu quả, tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực chung cũng như xử lý hài hòa giữa lợi ích quốc gia và khu vực.
Việt Nam nỗ lực vì các mục tiêu của cả cộng đồng
Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN năm 1995 đánh dấu bước ngoặt lớn đối với khu vực, mở ra một kỷ nguyên mới của hòa bình và hợp tác.
Dù đến sau, trình độ phát triển còn khoảng cách với nhiều nước, nhưng Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ASEAN-với tâm thế cùng thắp sáng ngọn lửa chung, nỗ lực không ngừng nghỉ vì các mục tiêu của cả Cộng đồng.
Đó là nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy kết nạp các nước Đông Nam Á còn lại để hình thành ASEAN-10. Đó là vai trò tích cực của Việt Nam trong xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN. Đó là dấu ấn Việt Nam trong các sự kiện lớn như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12-1998), đảm nhiệm tốt nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2000-2001 và hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 với những kết quả to lớn và thực chất.
Từ khi Cộng đồng ASEAN hình thành cuối năm 2015, Việt Nam đã và đang cùng các thành viên ASEAN tích cực triển khai xây dựng Cộng đồng. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong hai nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp ưu tiên trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
ASEAN ngày nay là ngôi nhà chung của các dân tộc Đông Nam Á, với nền móng chắc chắn và những trụ cột vững vàng. Với quyết tâm đảm bảo sự phát triển bền vững vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai, đặt hạnh phúc, đời sống và phúc lợi của nhân dân ở vị trí trung tâm của tiến trình xây dựng cộng đồng, Cộng đồng ASEAN sẽ phát triển bền vững và thịnh vượng.
Đăng Song