Xe tăng mang biển số 377 đặt trước tượng đài ĐắkTô - Tân cảnh (Kon Tum)*
*Đến tham quan, thăm viếng các khu Di tích lịch sử Cách mạng Khu ủy, Bộ Tư lệnh Khu 5, Bắc Trà My (Quảng Nam); Ngục Kon Tum, Chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum)...các phóng viên khâm phục, kính cẩn nghiêng mình trước sức chịu đựng của các Chiến sĩ Cách mạng trong Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931), bị thực dân Pháp bắt đưa vào Ngục Kon Tum – địa ngục trần gian này giam cầm. Tại đây, bọn cai ngục ác độc vận dụng nhiều hình thức tra tấn cực hình, nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên cường chống đối, kiên trung với cách mạng không phản bội xưng khai. Ý chí chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng qua các “Cuộc đấu tranh Tuyệt thực và Lưu huyết” của 15 chiến sĩ cách mạng đã làm cho bọn cai ngục phải chùn tay, khiếp đảm...
Đắk Tô – Tân Cảnh, nơi đây, Quân Giải phóng, quân và dân tỉnh Kon Tum đã tổ chức 2 Chiến dịch đánh tiêu diệt quân Mỹ - nguy trong các năm 1967 và 1972 đều làm nên chiến thắng, giải phóng nhiều ngàn dân. Trong đó, chiếc xe tăng mang số 377 đã làm nên “một kì tích lịch sử - chiến công huyền thoại” của Bộ đội Tăng – Thiết giáp Quân đội Nhân dân Việt Nam: “1 xe tăng 377 chiến đấu với 10 xe tăng địch” trong trận đánh vào Đắk Tô 2 ngày 24/4/1972. Khi 3 xe tăng của ta cùng bộ binh tiến công đánh chiếm mục tiêu trong kế hoạch tác chiến của chiến dịch, bị máy bay địch phát hiện gọi pháo kích và máy bay đến ném bom. Hai xe tăng của ta bị sa lầy phải khắc phục, còn xe tăng mang biển số 377 do Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển, chỉ huy cùng với 3 đồng đội (lái xe, pháo thủ, nạp đạn) vẫn tiến thẳng vào đội hình địch. 10 xe tăng – thiết giáp địch với ý định bắt sống xe tăng 377. Nhưng tài nghệ của người chỉ huy, lái xe khôn khéo lợi dụng địa hình, địa vật, bình tĩnh bắn chính xác của các pháo thủ đã tiêu diệt từng chiếc một. Khi trận đánh kết thúc, có 9 xe tăng – thiết giáp địch bị tiêu diệt, trong đó gần bên - xung quanh xe tăng 377 có 7 chiếc đang bốc cháy. Xe tăng mang số 377 cùng với 4 đồng đội đã chiến đấu, hy sinh anh dũng làm nên chiến thắng vang dội trên chiến trường Tây Nguyên năm 1972. Cán bộ, phóng viên thắp hương, viếng các phần mộ liệt sĩ tại NTLS Đắk Tô

Căn cứ Nước La, Nước Oa và Phước Trà, những địa điểm Khu ủy, Bộ Tư lệnh Khu 5 đặt đại bản doanh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đều đã được xếp hạng “Di tích lịch sử Quốc gia”. Cả ba nơi ấy đều trở thành địa chỉ đỏ, ghi dấu “thủ đô kháng chiến Khu 5” trong hành trình giải phóng quê hương, đất nước...
Các chuyến tham quan để lại ấn tượng sâu sắc với các cán bộ, phóng viên khi nghe thuyết minh, xem trưng bày hình ảnh, hiện vật, bút tích...để lưu bút, quay phim, chụp ảnh chuyển vào trong các tác phẩm báo chí, mang đến cho bạn đọc, người xem, người nghe về quá khứ hào hùng của quân và dân ta, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ để góp phần cùng với quân và dân địa phương và cả nước làm nên chiến thắng 30/4/1975. Ý nghĩa của các chuyến “Hành hương về nguồn” thăm viếng các địa chỉ Đỏ, địa danh, di tích lịch sử, thắp hương viếng các phàn mộ tại các Nghĩa trang Liệt sĩ, dâng hương hoa tưởng niệm trước các Tượng đài chiến thắng... là cầu nối của các nhà báo, chuyển tải những Thông điệp đến với tuổi trẻ thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Tổ quốc gọi đến tên mình.

Bài và ảnh: Nhân Mùi