Thông cáo chung Việt Nam – Chi-lê (23/03/2012)

*Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Thông cáo:
*1. Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng thống nước Cộng hòa Chi-lê Xê-bát-xti-an Pi-nhê-ra Ê-chê-ni-kê thăm chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 3 năm 2012, cùng đi có Phu nhân Tổng thống, Đoàn đại biểu chính thức, khách mời đặc biệt của Tổng thống, các nghị sỹ Quốc hội và Đoàn doanh nghiệp Chi-lê.
2. Tổng thống Xê-bát-xti-an Pi-nhê-ra Ê-chê-ni-kê và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu chính thức của hai nước đã có cuộc hội đàm sâu rộng về quan hệ song phương và trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm. Tổng thống Xê-bát-xti-an Pi-nhê-ra Ê-chê-ni-kê cũng có các cuộc hội kiến với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
3. Tổng thống Xê-bát-xti-an Pi-nhê-ra Ê-chê-ni-kê và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ hài lòng về quan hệ tốt đẹp hiện nay giữa hai nước và khẳng định quyết tâm củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Chi-lê, phục vụ sự nghiệp phát triển của mỗi nước. Hai vị Lãnh đạo trao đổi và nhất trí về phương hướng và biện pháp tăng cường quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới; nhấn mạnh các lĩnh vực hai nước có tiềm năng và thế mạnh có thể bổ sung cho nhau như thương mại, khai khoáng, luyện kim, nuôi trồng và chế biến nông - lâm - thủy sản, viễn thông, các ngành công nghệ cao, dịch vụ kỹ thuật hải quân, đàm phán kinh tế quốc tế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
4. Hai vị Lãnh đạo đặc biệt nhất trí về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác song phương và thống nhất thúc đẩy các dự án chung về giáo dục, tài chính, du lịch, cũng như khuyến khích trao đổi trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng và lợi ích cho hai bên.
5. Hai vị Lãnh đạo nêu bật việc hai nước đã hoàn tất các thủ tục nội bộ phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Chi-lê được ký kết tháng 11/2011; nhất trí chỉ đạo các cơ quan Chính phủ hai bên để Hiệp định này sớm có hiệu lực và được triển khai thực hiện, qua đó thúc đẩy trao đổi và mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế và thương mại cho hai nước.
6. Hai vị Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa vào hoạt động và phát huy hiệu quả cơ chế hợp tác liên Chính phủ giữa hai nước và đề nghị hai bên thông qua các kênh ngoại giao thống nhất việc tổ chức phiên họp đầu tiên Ủy ban Liên Chính phủ, được thành lập năm 2007, trong thời gian sớm nhất có thể. Hai vị Lãnh đạo đánh giá cao kết quả thực hiện cơ chế Tham khảo Chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao và yêu cầu hai Bộ Ngoại giao sớm thống nhất tổ chức phiên Tham khảo Chính trị lần thứ năm.
7. Hai vị Lãnh đạo đánh giá cao các hoạt động trao đổi giữa Quốc hội hai nước, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam của đoàn Lãnh đạo Thượng viện Chi-lê vào tháng 2 năm 2012. Hai vị Lãnh đạo chào mừng sự hiện diện của các Nghị sỹ Chi-lê trong đoàn và đề nghị Quốc hội hai nước tiếp tục trao đổi, hợp tác đa dạng và hiệu quả trong lĩnh vực lập pháp.
8. Hai vị Lãnh đạo nhất trí về việc hai nước tăng cường trao đổi, tham vấn về các vấn đề cùng quan tâm và tiếp tục phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương mà hai nước cùng là thành viên như Liên Hợp Quốc, Phong trào Không liên kết, Tổ chức Thương mại Thế giới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương…, trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
9. Hai vị Lãnh đạo hoan nghênh việc tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Chi-lê –Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, và đánh giá cao sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Chi-lê, cũng như số lượng lớn các doanh nghiệp Chi-lê tháp tùng Tổng thống Xê-bát-xti-an Pi-nhê-ra Ê-chê-ni-kê, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp hai nước nỗ lực nâng cao hiểu biết lẫn nhau, tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước, khai thác những thuận lợi của Hiệp định Thương mại Tự do đem lại khi có hiệu lực.
10. Tổng thống Xê-bát-xti-an Pi-nhê-ra Ê-chê-ni-kê cũng đến thăm các địa danh nổi tiếng của Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Quảng Ninh và Tiền Giang. Chuyến thăm các địa danh nổi tiếng trên không những cho phép Tổng thống thấy được vẻ đẹp thiên nhiên, bề dày lịch sử hàng nghìn năm, sự phong phú của nền văn hóa và các biểu tượng của Việt Nam, mà còn chứng kiến sự nồng nhiệt và tình cảm hữu nghị của nhân dân Việt Nam.
11. Tổng thống Xê-bát-xti-an Pi-nhê-ra Ê-chê-ni-kê nhân danh cá nhân và thay mặt Phu nhân và Đoàn tùy tùng, cảm ơn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân, Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự đón tiếp trọng thị và nồng ấm dành cho Đoàn Tổng thống.
12. Tổng thống Xê-bát-xti-an Pi-nhê-ra Ê-chê-ni-kê trân trọng mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức nước Cộng hòa Chi-lê. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời. Chuyến thăm sẽ được thu xếp cụ thể qua đường ngoại giao.
Ký tại Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2012, thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha, các văn bản có giá trị như nhau./. A Hoàng