Thời của tin tặc?
Đại dịch Covid-19 khiến xã hội phụ thuộc nhiều vào công nghệ thông tin và có lẽ đây là cơ hội để tin tặc lộng hành mạnh tay nhất trong lịch sử.
Một báo cáo của mạng lưới Chống tội phạm tài chính (FinCEN) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, công bố ngày 15-10, cho thấy, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số tiền các nạn nhân phải trả liên quan đến các vụ tấn công tống tiền bằng mã độc (ransomware) đã lên tới 590 triệu USD, cao hơn 42% số tiền mà các thể chế tài chính đã trả cho tin tặc trong cả năm 2020 (khoảng 416 triệu USD) và có những chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy số tiền thực tế có thể lên tới hàng tỷ USD.
Các vụ tống tiền thường sẽ bị đem ra ánh sáng bởi các cách kiểm soát dòng tiền giao dịch, dù đó là tiền mặt hay chuyển khoản. Thế nhưng, các vụ tấn công liên quan đến việc thâm nhập vào mạng lưới của một công ty hoặc của một thể chế để mã hóa dữ liệu, sau đó đòi tiền chuộc, thường được thanh toán qua tiền điện tử, để đổi lấy chìa khóa kỹ thuật số để mở mã hóa. Đây là một trong những cách thức xoá dấu vết hết sức tinh vi trong thời đại kỹ thuật số ngày nay.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, Mỹ đã tìm cách ngăn chặn các vụ tấn công bằng mã độc bằng các biện pháp trừng phạt đối với sàn giao dịch trực tuyến - nơi các tin tặc thường trao đổi tiền điện tử để lấy tiền mặt. Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã phát hiện hơn 150 ví điện tử trực tuyến và tiến hành phân tích các ví này. Kết quả cho thấy khoảng 5,2 tỷ USD có thể liên quan các khoản tiền chuộc trong các vụ tấn công bằng mã độc. Với các biện pháp kiểm soát và trừng phạt mạnh tay, hy vọng thời hoàng kim của tin tặc sẽ sớm qua.
Nam Long