Thơ chọn - Lời bình: Tổ quốc ở Trường Sa (Tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh ở đảo đá Gạc Ma)
Nhà thơ đã chọn nhịp điệu thơ chắc khỏe như điêu khắc, chạm khắc vào tượng đài “Các con đứng như tượng đài quyết tử” với bao trăn trở như muôn ngàn lớp sóng. Sự định vị “Tổ quốc ở Trường Sa” không chỉ giới hạn địa lý mà mở ra bao liên tưởng từ tâm điểm của Trường Sa tỏa muôn vòng sóng giao thoa. Chính sự vận động này đã đắp bồi thiết tha và cộng hưởng sự kết tinh ấn tượng. Nhà thơ đã làm một phép cộng để từ đó nhân lên: “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra”; từ “Cho một lần Tổ quốc được sinh ra” đến “Để một lần Tổ quốc được sinh ra” bằng sự hy sinh của bao liệt sĩ mà tiêu biểu mà các chiến sĩ chiến đấu giữ đảo đã Gạc Ma. Cảm hứng lịch sử tuôn chảy như “Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt” tạo ra âm hưởng sử thi có nét bi hùng oanh liệt của cả bề dày trầm tích lịch sử quá khứ. Hình ảnh người lính: “Họ đã lấy ngực mình làm lá chắn” và “Họ đã lấy thân mình làm cột mốc” chính là tượng đài đẹp nhất và bi tráng nhất. Tổ quốc hiện ra thật cụ thể khi: “Cờ Tổ quốc phất lên trong lửa đạn” là lúc “Mẹ Tổ quốc vẫn luôn ở bên ta” để “Biển Tổ quốc đang cần người giữ biển”. Một chuỗi hình ảnh liên kết Cờ - Mẹ - Biển gắn liền với Tổ quốc, là hiện thân của Tổ quốc, linh hồn của Tổ quốc. Nếu không có những liên tưởng gắn kết này thì tứ thơ dễ bị loãng ít gây ấn tượng, giảm sự lay thức, lôi cuốn. Tôi có cảm giác nhà thơ đã dùng thủ pháp chồng mờ trong điện ảnh để tạo ra từ trường cuốn hút từ hơi thở mà nguyên âm “a” cuối mỗi câu có sức ngân vang âm hưởng cuồn cuộn trong lòng người, cuồn cuộn trong thi hứng, cuồn cuộn trong cộng hưởng. Đôi lúc đó là sự biến ảo chập chờn: “Nếu mẹ gặp cánh chim về từ biển/ Con đấy mà mẹ đã nhận ra chưa?”. Nghẹn thắt mà vẫn bời bời trong bao hy vọng. Nhà thơ đã vận dụng khá linh hoạt từ tự sự sâu lắng đan xen với những biến tấu trữ tình dào dạt. Đó chính là nhịp của giao hưởng, của những cao trào dâng lên và lắng đọng lại như nhịp của những con sóng thủy triều.
“Tổ quốc ở Trường Sa” là một tuyên ngôn về bài ca yêu nước. Ta lại nghe âm vang như có cả hơi thơ truyền dẫn điện của một “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư” tương truyền của Lý Thường Kiệt hay “Hịch tướng sĩ văn” của Trần Hưng Đạo ngày nào. Đó là khí thơ và cao hơn là ý chí của người con đất Việt giành giữ chủ quyền trọn vẹn của non sông đất nước, của mỗi tấc trời, tấc biển. Có thể nói tình yêu Tổ quốc chính bắt đầu từ tình yêu của truyền thống nghìn năm: “Có nơi nào như đất nước chúng ta/ Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ”. Nguyễn Việt Chiến đã thành công trong nhiều bài thơ viết về đề tài sử thi này. Như tên anh là khí phách của người Việt dám chiến đấu, đương đầu với mọi kẻ thù: “Biển mùa này sóng dữ phía Hoàng Sa/ Các con mẹ vẫn ngày đêm bám biển”. Khi “Tổ quốc ở Trường Sa” chính là Tổ quốc trong mỗi trái tim ta.
Nguyễn Ngọc Phú