Thiếu tướng về với đời thường (02/02/2012)
Bậc dưới là một vườn hồng, đang mùa quả chin, màu hồng trải vàng tươi dưới nắng. Bậc trên là ngôi nhà hai tầng bề thế, qua phía bên kia là khu chăn nuôi, ao cá của gia đình. Bước vào khoảng sân rộng, Đại tá Đoàn Quang Vinh, Chánh văn phòng Hội CCB tỉnh Yên Bái, nguyên là Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai nói lớn: Chào thủ trưởng ạ! Tôi ngỡ ngàng thấy một ông già cao to, da dẻ hồng hào, mang chiếc kính cận gọng lớn, mặc bộ quân phục rằn ri đã cũ đang lúi húi dọn dẹp ở góc sân. Anh Vinh quay sang tôi: Thiếu tướng Sa Minh Trắc, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2 đấy…
Thiếu tướng Sa Minh Trắc sinh năm Nhâm Ngọ (1942). Tuổi thơ của ông gắn liền với những dãy núi Cườm, Ba Chẽ, Ba Chum với những ngày lên nương, vào rừng đào củ, hái măng. Năm 1962, tròn hai mươi tuổi, anh thanh niên người dân tộc Thái Sa Minh Trắc tình nguyện nhập ngũ vào Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 để rồi trở thành một vị tướng của quân đội nhân dân. Có thể nói 45 năm quân ngũ của ông thì một nửa đầu là Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Lào với các trận đánh và chiến dịch Nậm Thà, Nậm Bạc, Luông Pha Băng, Thượng Lào, Nam Lào, Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng… được kết nạp vào Đảng năm 1964. Nửa sau, ông trưởng thành từ một cán bộ chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Văn Chấn quê hương lên đến Phó tư lệnh quân khu rồi nghỉ hưu năm 2007.
Về với đời thường, Thiếu tướng cùng gia đình tập trung phát triển kinh tế theo mô hình VACR. Với 3 ha đất rừng, ông bà tập trung trồng quế, hồng và bưởi, xây dựng hệ thống dẫn nước sạch từ lưng núi về sinh hoạt và đào đắp hai ao thả cá, kết hợp nuôi nhím, dúi, gà sao, chim bồ câu… Ông cho biết: Phù hợp với vùng đất này có ba loại hồng là hồng Nhân Hậu, hồng Thạch Thất và hồng Lục Yên rất dễ trồng, không sâu bệnh và trồng từ 3 đến 4 năm là cho quả. Tuy vậy không hiệu quả bằng nuôi nhím. Nhím là loại phàm ăn với các loại rau, củ, quả đắng, cay, chua ngọt… ngay như quả hồng xanh chát xít mà nhím cũng ăn được. Chuồng nuôi một đôi nhím thì xây hình trụ (1,2m x 1,2m và cao 1,2m). Ban đầu ông nuôi 3 đôi, 6 con (giá 8 triệu đồng/ con giống); sau từ 12 tháng đến 17 tháng nhím đẻ, mỗi năm nhím đẻ 2 lứa, mỗi lứa trung bình 2 con, ông đều bán hết (giá nhím hiện nay là từ 300 đến 350 ngàn đồng/ kg), chỉ để nuôi thường xuyên 15 con. Phù hợp với người nghỉ hưu hơn cả là nuôi dũi. Thức ăn của dũi là các loại tre, trúc, sắn tươi, sắn khô và mỗi ngày một con chỉ ăn khoảng nửa lạng thức ăn (tính ra chưa hết 1.000 đồng), hiện nay ông đang nuôi 40 con tại 20 chiếc chuồng cũng xây kiểu hình trụ nhưng nhỏ hơn (70 x 70 x 70cm), chuồng dũi phải bít kín, để hở dũi sẽ trốn đi mất. Khi dũi đẻ cũng phải giấu, thấy người nhìn vào là dũi cắn chết con. Mỗi con dũi nặng từ 2 đến 2,5kg và giá thịt dũi bằng với giá của nhím trên thị trường. Nằm chếch phía sau nhà là hai ao cá có hệ thống nước tưới, tiêu suốt ngày đêm, đứng ở đâu trong khuôn viên nhà ông cũng đều nghe tiếng nước chảy reo vui. Dưới ao ông thả các loại cá ăn theo tầng nước như chép, trôi, mè trắm và các loại cá tạp khác. Mỗi năm gia đình thu từ kinh tế VACR trên 100 triệu đồng.
Hàng ngày, Thiếu tướng Sa Minh Trắc còn dành thời gian ôn luyện và sưu tầm chữ Thái. Ông là người có trí nhớ tốt và sang dạ. Từ vốn chữ Thái có được khi là học sinh phổ thông, ông đã trau dồi, học thêm trong hàng chục năm công tác cùng đồng đội, đồng bào dân tộc Thái khắp vùng Tây Bắc. Ông là một trong số rất hiếm người đọc và viết chữ Thái. Biết ông nghỉ hưu, bà con xa gần thường tới nhờ ông dịch, giải nghĩa các gia phả, tập tục, câu chuyện cổ tích… của các dòng tộc, thôn, bản người Thái. Ông cho biết: Chữ Thái không giống chữ phố thông mà rất khó phiên âm, phải tinh ý mới học được.
Bà Quàng Thị Pho (phu nhân của Thiếu tướng) cũng là người Thái, quê ở Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, năm 1968 bà nhập ngũ làm việc tại Bộ CHQS tỉnh Sơn La. Tại đây ông bà gặp nhau rồi thành vợ thành chồng. Năm 1972 bà chuyển ngành ra bưu điện tỉnh, sau về làm cán bộ nhà máy chè Trần Phú rồi nghỉ hưu, nay cùng sinh hoạt với ông tại chi bộ Đảng khu dân cư. Cả bốn người con trai đều được ông bà nuôi dưỡng, định hướng rèn luyện, phấn đấu, nay đều là đảng viên, trưởng thành trong quân đội. Đó là Trung tá Sa Minh Chính, Trưởng ban Bảo vệ Bộ CHQS tỉnh Yên Bái; Đại úy Sa Minh Nghĩa, Phó chủ nhiệm chính trị, trung đoàn 174, Sư đoàn 316; Thượng úy Sa Minh Trung, đại đội trưởng, Trường quân sự Ấp Bắc Bộ CHQS tỉnh Yên Bái và Trung úy Sa Minh Thành, trợ lý Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái. Nay gia đình Thiếu tướng có 9 người (2 ông bà, 4 người con trai và 3 người con dâu) thì 7 người là đảng viên, 8 người tốt nghiệp đại học và 7 người là quân nhân. Một thế hệ kế tiếp là 5 cháu nội đang theo học tại các trường phổ thông trong tỉnh. Gia đình ông giống như một cây đại thụ, cành lá xum xuê tỏ bóng xuống quê hương.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm