Thiên tai là khó khăn của khó khăn

Dự báo tình hình đất nước trong những năm tới, Đảng ta chỉ ra một trong những khó khăn mới là biến đổi khí hậu, thiên tai sẽ ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước (Văn kiện Đại hội XIII, t.1, tr.108).

Theo các nhà nghiên cứu, đây là vấn đề mà các Nghị quyết Đại hội trước chưa được đề cập sâu, thậm chí chưa đề cập. Đây vừa thể hiện tính bao quát sâu, toàn diện của Đảng trong dự báo tình hình khó khăn, thuận lợi của đất nước trong những năm tới, vừa cho thấy những tác động xấu của tài nguyên, môi trường trên thế giới nói chung, nước ta nói riêng.

Đúng như trong Nghị quyết Đại hội dự báo, nước ta hiện nay đang không chỉ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, mà biến đổi khí hậu còn diễn ra nhanh, trực tiếp, có thể dẫn đến bùng phát về hoang mạc hóa, suy thoái đất gây thiệt hại nặng nề đến cuộc sống con người và tiếp tục hủy hoại các hệ sinh thái... Nước biển dâng có thể dẫn đến tình trạng di cư ở quy mô lớn…

Theo dự báo đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng 1m, thì 6,3% diện tích đất của Việt Nam sẽ bị ngập lụt; đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 39% diện tích bị ngập, ảnh hưởng gần 35% dân số, nguy cơ mất đi 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng!

Chính vì thế, phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng và dựa vào hệ sinh thái; tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong giám sát, quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học phải được đặt ra trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ngay từ những năm đầu đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Thái Bảo Nguyên