Thị trường xe công nghệ: Tiềm năng tăng trưởng và thách thức quyền lợi lao động

Cần có các chương trình an sinh xã hội cho nhóm lái xe công nghệ, theo hướng mở rộng, linh hoạt, phù hợp đặc điểm, điều kiện thực tế về việc làm, thu nhập của các đối tượng trong thời gian tới

Năm 2025, thị trường xe công nghệ tại Việt Nam ước tính đạt 1,05 tỷ USD và dự kiến tăng lên 2,56 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 19,5% trong giai đoạn 2025-2030. Đáng chú ý, quý I-2025 chứng kiến sự thay đổi vị trí dẫn đầu khi Xanh SM chiếm 39,85% thị phần, vượt qua Grab - đơn vị từng thống trị, hiện nắm 35,57%.

Sự cạnh tranh khốc liệt và những con số đáng chú ý

Thị trường gọi xe công nghệ đang chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng. Be đang có khoảng 400 nghìn tài xế, Grab có khoảng 300 nghìn, còn Xanh SM có khoảng 90 nghìn. Dự báo đến năm 2029, số lượng người dùng sẽ đạt 37 triệu, với tỷ lệ thâm nhập 36%, cho thấy mức độ gắn bó của dịch vụ này với đời sống hàng ngày của người dân, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt không chỉ giữa các nền tảng lớn mà còn với các dịch vụ nhỏ hơn, khiến cuộc chiến giành thị phần trở thành một vòng xoáy giảm giá, khuyến mãi, ưu đãi tài xế. Để thu hút người dùng, các công ty liên tục triển khai chiến lược giảm giá chuyến đi, cung cấp mã khuyến mãi, đồng thời áp dụng các mô hình thưởng cho tài xế để đảm bảo lượng cung. Tuy nhiên, việc liên tục đua nhau giảm giá khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp, đẩy nhiều hãng vào tình trạng buộc phải tái cấu trúc hoặc thậm chí rút lui khỏi thị trường.

Dự báo trong vài năm tới, ngành xe công nghệ sẽ tiếp tục mở rộng nhưng với tốc độ tăng trưởng bền vững hơn. Cạnh tranh sẽ không chỉ giới hạn trong mức giá mà còn xoay quanh chất lượng dịch vụ, khả năng tích hợp AI và dữ liệu lớn để nâng cao trải nghiệm người dùng.

Tuy nhiên, mặc dù ngành gọi xe phát triển mạnh mẽ, điều kiện làm việc của các tài xế công nghệ vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Dù được gọi là “đối tác kinh doanh”, họ thực tế vẫn phải làm việc trung bình từ 8 đến 13 tiếng/ngày mà không có bất kỳ chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) hay bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc nào. Điều này đặt ra những thách thức lớn về an sinh xã hội trong tương lai.

Câu chuyện lao động công nghệ: Quyền lợi còn bỏ ngỏ

Lắng nghe những câu chuyện thực tế của các tài xế công nghệ, có thể thấy rõ những khó khăn họ đang đối mặt. Chị Nguyễn Thị Nhung (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trước khi dịch bệnh xảy ra, thu nhập từ chạy xe Grab có thể đạt 400.000-500.000 đồng/ngày nếu làm việc liên tục từ 6 giờ đến 18 giờ. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, công việc bị gián đoạn, gia đình chị mất đi nguồn thu nhập chính mà không được hỗ trợ từ bất cứ chính sách nào do không có hợp đồng lao động chính thức.

Câu chuyện của chị Nhung không phải trường hợp cá biệt. Rất nhiều tài xế công nghệ chia sẻ mong muốn được tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo quyền lợi trong tương lai. Thống kê cho thấy, khoảng 95% tài xế Grab làm việc cả ngày, có khi từ 6 đến 12 tiếng, và 23% số tài xế xe ôm công nghệ phải chạy xe vào ban đêm (từ 10h tối đến 6h sáng). Thế nhưng, lực lượng lao động này không được pháp luật bảo vệ về ngày nghỉ có lương, hỗ trợ khi ốm đau, tai nạn, hay bất kỳ chế độ phúc lợi xã hội nào.

Cần lấp đầy khoảng trống chính sách

Hiện nay, tài xế công nghệ vẫn đang ở vị trí yếu thế trong mối quan hệ ba bên: Công ty - Khách hàng - Tài xế. Hiện nay, do ký hợp đồng dưới dạng “Hợp đồng đối tác”, chứ không phải hợp đồng lao động, tài xế không nằm trong khuôn khổ điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Đây là điểm mấu chốt khiến họ không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội.

Nhìn về tương lai, nếu không có sự điều chỉnh chính sách kịp thời, lực lượng lao động này khi về già sẽ trở thành gánh nặng an sinh xã hội. Do đó, cần có quy định rõ ràng để bảo vệ quyền lợi tài xế, đồng thời khuyến khích các công ty cung ứng dịch vụ như Grab, Xanh SM, Be hỗ trợ tài xế tiếp cận BHXH, BHYT, giúp họ có sự đảm bảo an sinh dài hạn.

Ngành gọi xe công nghệ tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, câu chuyện quyền lợi của tài xế vẫn đang bỏ ngỏ. Trước sự cạnh tranh gay gắt giữa các nền tảng, bên cạnh việc giành thị phần, các công ty cần đặt trọng tâm vào phúc lợi cho tài xế, hướng tới một mô hình phát triển bền vững, đảm bảo công bằng cho lực lượng lao động. Việc sớm điều chỉnh chính sách sẽ giúp tăng độ phủ BHXH, đồng thời tránh những hệ lụy an sinh trong tương lai.

Hồ Thanh Hương