Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp nhỏ trước nguy cơ thôn tính

Yếu từ khâu liên kết

Hơn 5 năm mở cửa theo cam kết gia nhập WTO (1/1/2009), thị trường bán lẻ Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ với gần 700 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và hơn 1.000 cửa hàng tiện ích, trong đó có 22 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam.

Mặc dù tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ của Việt Nam rất lớn nhưng trên thực tế các doanh nghiệp 100% vốn trong nước vẫn đang có nguy cơ bị thôn tính ngay trên chính “sân nhà.”

Ông Phạm Quốc Mạnh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái cho rằng, việc mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết của WTO là không thể “cưỡng” lại. Tới đây, khi mở cửa hoàn toàn, doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp lớn của nước ngoài có nhiều kinh nghiệm.

“Vẫn chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào vốn trên 100 triệu USD. Ngoài ra, doanh số của siêu thị nước ngoài lớn hơn từ 20 đến 30 lần so với doanh nghiệp Việt. Nếu không có liên kết, không có chiến lược, bước đi phù hợp, cơ chế thuận lợi sẽ rất khó khăn”, ông Mạnh lo lắng.

Sự lo lắng này của ông Mạnh không phải là không có cơ sở, bởi ngoài tiềm lực về vốn thì vấn đề liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau vẫn còn khá lỏng lẻo. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, hiện các nhà bán lẻ trong nước vẫn “chạy” rất chậm, chưa đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là sự kém liên kết.

Trên thực tế, chỉ cần một siêu thị nước ngoài lớn như BigC, Metro... đặt ở gần thì doanh số các siêu thị trong nước sẽ giảm sút nghiêm trọng, thậm chí khó tồn tại vì giá cả của họ rẻ hơn, địa điểm rộng rãi, bắt mắt kèm theo nhiều dịch vụ hấp dẫn hơn.

"Do tập quán sản xuất của người Việt Nam ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, do vậy, quy trình liên kết giữa nhà sản xuất và người bán hàng đến tay người tiêu dùng đã qua nhiều khâu, nhiều tầng lớp, dẫn đến giá cả, chi phí lên cao. Cho nên, giá đến tay người tiêu dùng chưa đạt được như mong muốn. Cho đến thời điểm hiện nay, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp Việt Nam là đủ sức cạnh tranh với các đại gia FDI," ông Phú dẫn chứng.

Có một nguy cơ nữa, theo ông Phú đó là khả năng các doanh nghiệp nước ngoài thao túng thị trường bán lẻ Việt Nam. Bài học gần đây nhất, trứng gia cầm liên tục bị thổi giá, mà nguyên nhân theo ông Phú là do chúng ta vẫn chưa có những công ty đủ mạnh, dẫn dắt được thị trường, do vậy khó có thể thực hiện được các biện pháp bình ổn trong những thời điểm khó khăn.

Còn theo đại diện hệ thống siêu thị Fivimart, bà Vũ Thị Hậu thì cho rằng, nếu chỉ liên kết thôi thì chưa đủ, các nhà bán lẻ Việt cần phải tập trung xây dựng thị trường, không chỉ ở thành thị, mà cả ở những vùng nông thôn. Trên thực tế, hệ thống bán lẻ ở nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa vẫn còn yếu kém và bất cập.

Hết đất cho doanh nghiệp chậm chân

Với dân số hơn 90 triệu người nhưng các điểm kinh doanh hiện vẫn chưa đáp ứng đủ. Điều đó có thể nhìn thấy rõ trong các thời điểm lễ, Tết hay dịp khuyến mại, các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại luôn phải đối mặt với tình trạng quá tải.

Tuy nhiên, kinh doanh trong ngành bán lẻ hiện đại đòi hỏi một hệ thống logistics chuyên nghiệp, điều này đang là một bất cập lớn đối với các doanh nghiệp trong nước. Theo ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp bán lẻ ngoại tại Việt Nam phát triển lấn át các doanh nghiệp nội là do các tập đoàn này đã hình thành hàng chục năm, thậm chí có tập đoàn hình thành gần trăm năm. Do vậy, tiềm lực tài chính, nguồn lực con người của họ rất tốt.

"Một loạt các đại gia bán lẻ ngoại như Metro hay Big C đều hoạt động khá thành công khi thu hút được một lượng khách hàng không hề nhỏ chỉ sau một thời gian ngắn tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam," ông Năm cho hay.

Đứng trước những bất cập trên, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp bán lẻ phải đề ra được chiến lược dài hơi, đẩy mạnh mối liên kết để khắc phục những điểm yếu về tài chình, cũng như mở rộng thị trường. Cụ thể, các doanh nghiệp cần bắt tay vào xây dựng thương hiệu cũng như hợp tác với các nhà sản xuất, kể cả nông dân để sản xuất và cung cấp hàng hóa, qua đó giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp nội đang làm rất tốt việc này như Nguyễn Kim, hiện đồng loạt khai trưởng 6 siêu thị điện máy ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Ngoài ra còn có Vinatex mart chuyên về may mặc và thời trang cũng tiếp tục khởi sắc với hàng loạt cửa hàng mới...

“Doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần mở rộng hệ thống phân phối tại các vùng nông thôn vì đây là thị trường vẫn đang bị bỏ ngỏ. Việc thay đổi phương thức kinh doanh theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng sẽ đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường,” bà Loan nhấn mạnh.

Đã là nhà kinh doanh thì phải hiểu biết tâm lý của các đối tượng khách hàng. Đối với nhiều người đôi khi giá cả lại không phải là vấn đề chính, mà cái họ quan tâm là mốt, là hàng độc, mẫu mã phong phú, phù hợp với họ.

Do vậy, theo kinh nghiệm của ông Vũ Vinh Phú, điều mà các doanh nghiệp phải làm là bám sát lấy thị hiếu của từng đối tượng khách hàng, thay đổi cung cách phục vụ, coi người tiêu dùng là "thượng đế" thực sự.

Ông Phú cũng nhấn mạnh, xu hướng mở cửa thị trường là tất yếu, khó thể đảo ngược. vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần lựa sức mình, phát triển lợi thế cạnh tranh, tránh đối đầu với các nhà bán lẻ mạnh của nước ngoài bằng cách tập trung phát triển hệ thống phân phối có quy mô nhỏ và vừa, bám theo địa bàn dân cư.

"Anh nào có chiến lược, bài bản và lãnh đạo có năng lực thì vẫn phát triển. Ngược lại, những doanh nghiệp yếu kém sẽ bị thôn tính," ông Phú bày tỏ.

Mục tiêu phát triển ngành bán buôn, bán lẻ là trong năm 2014 là đóng góp từ 18-20% GDP (hiện nay là 13-14% GDP). Tuy nhiên, muốn phát triển hệ thống phân phối cần phải có các cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cụ thể.

Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam kiến nghị, Bộ Công Thương cần có quy hoạch phát triển hệ thống thương mại hiện đại gắn liền với phát triển kinh tế vùng, miền. Bên cạnh đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước về địa điểm và mặt bằng bán lẻ nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

Về phía Hiệp hội cũng sẽ đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho thành viên của mình như: Kết nối cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; ban hành những văn bản, quy định liên quan đến ngành phân phối bán lẻ, tập hợp những ý kiến không chỉ là thành viên của hội mà còn cả các cơ sở, ban, ngành.

Đặc biệt, Hiệp hội bán lẻ cũng chú trọng công tác đào tạo chuyên môn cho các doanh nghiệp trong ngành, tập trung đến việc kết nối các thành viên của mình, trong hiệp hội cũng như các thành viên ngoài hiệp hội và kết nối giữa sản xuất với người tiêu dùng, đặc biệt chú trọng đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.
Theo TTXVN