Thi thiết thực
Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã bước sang năm thứ bảy. Nhưng đây là năm được dư luận đánh giá nội dung thi thiết thực.
Khác với những năm trước chủ yếu cuộc thi dành chọn ra những học sinh xuất sắc ở các lĩnh vực của khoa học tự nhiên và thí sinh tham gia cũng chủ yếu ở các “trường chuyên - lớp chọn”, cuộc thi 2018-2019 đã dành hơn một nửa nội dung cho những vấn đề xã hội thiết thực với đời sống hằng ngày như môi trường, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống…
Điển hình như học sinh T.P Hồ Chí Minh còn đăng ký tham gia những đề tài thời sự, như: “Phố đi bộ Nguyễn Huệ - từ góc nhìn môi trường và văn hóa đô thị”.
Vũ Ngọc Mai, học sinh lớp 12 chuyên văn, Trường trung học Thực hành (Trường đại học Sư phạm T.P Hồ Chí Minh), giới thiệu về đề tài. Em cho biết “Đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, cảm giác của tôi là phố đi bộ mà nắng quá, thiếu cây xanh, thiếu bóng mát…”.
Thế là Mai cùng bạn Quỳnh An có chung ý tưởng đăng ký đề tài. Các em đã đi khảo sát tới hơn 300 người: Cư dân sở tại, du khách trong nước và khách ngoài nước. Số đông cho rằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ nắng, nóng là do thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh, như vứt rác bừa bãi, tận dụng cây xanh để buôn bán, ngắt hoa công cộng… Trong bản báo cáo, Mai và An đã kết luận: “Văn hóa ứng xử đô thị nơi đây còn nhiều hạn chế”.
Cùng một chủ đề thí sinh ở Hà Nội thì chọn môi trường ở Văn Miếu, Quốc Tử Giám. Đề tài đã đề cập đến nguyên nhân du khách “cầu cho con học cao biết rộng” bằng cách bỏ tiền xuống “hồ Văn”, hay “xoa đầu rùa” đã bộc lộ phụ huynh và học sinh thiếu kiến thức về tôn giáo…
Hy vọng thông qua Cuộc thi, toàn xã hội nói chung, Ngành Giáo dục nước ta nói riêng sẽ có nhận thức mới về chất lượng giáo dục để không ngừng đổi mới phương pháp dạy và học, cũng như kiểm tra đánh giá trong các nhà trường sao cho thiết thực.
NHẬT HUY