Thêm bằng chứng về nước trên sao Hỏa (09/08/2011)
Thiết bị ghi hình trên tàu vũ trụ Mars Reconnaissance Orbiter - đang bay quanh sao Hỏa - vừa phát hiện hơn 1.000 rãnh tối ở bán cầu nam của hành tinh này. Những rãnh này xuất hiện trên các sườn núi và chảy xuống khu vực bằng phẳng bên dưới. Với chiều rộng từ 0,5 tới 5 mét và chiều dài lên tới vài trăm mét, chúng uốn lượn quanh các chướng ngại vật. Một điều đáng chú ý là chúng biến mất vào mùa đông rồi xuất hiện trở lại từ cuối mùa xuân.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Arizona, Mỹ cho rằng có thể nước mặn từng chảy trên những rãnh mà họ phát hiện. Họ chưa có bằng chứng để chứng minh giả thuyết, song chỉ ra rằng nhiệt độ trên bề mặt sao Hỏa vào mùa hè quá cao để carbon dioxide tồn tại ở dạng băng và quá thấp để nước nguyên chất tồn tại ở dạng lỏng.
Nhưng do nước muối đóng băng ở nhiệt độ thấp hơn nhiều so với nước nguyên chất, nên trong giai đoạn ấm áp trên sao Hỏa, nước mặn có thể tồn tại và chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp.
Sự di chuyển của nước mặn là lời giải thích hợp lý nhất đối với những rãnh trên sao Hỏa, mặc dù nghiên cứu này không chứng minh điều đó. Vấn đề ở đây là nếu nước vẫn còn chảy trên sao Hỏa tới tận ngày nay, nó sẽ sôi và bốc hơi rất nhanh vào bầu khí quyển hoặc ngấm xuống đất và đóng băng. Vì thế, nếu không tới sao Hỏa vào thời điểm phù hợp, bạn sẽ không nhìn thấy nước.
Thiết bị ghi hình của phi thuyền Mars Reconnaissance Orbiter có khả năng phân tích cấu tạo hóa học của những chất mà nó quan sát từ khoảng cách xa. Nhưng nó không xác nhận sự tồn tại của nước ở dạng lỏng trên sao Hỏa. Theo McEwen, rất có thể thiết bị ghi hình không phát hiện nước vì vào thời điểm mà nó tiến hành phân tích thì nước trên bề mặt sao Hỏa đã cạn kiệt.
Các nhà khoa học tin rằng nước từng chảy trên bề mặt sao Hỏa trong quá khứ xa xưa. Tuy nhiên, họ mới chỉ phát hiện được vài mẫu nước đóng băng gần bề mặt hành tinh này.
Nếu nước thực sự chảy qua những rãnh mới được phát hiện, giới khoa học sẽ có cơ sở để săn tìm sự sống trên sao Hỏa.
Hoàng Linh (TH)