Thế trận mới của G7
Lãnh đạo các nước G7 tại Hiroshima.
Hội nghị thượng đỉnh của nhóm G7 vừa kết thúc ở Hiroshima với những tuyên bố cứng rắn nhắm vào Nga và Trung Quốc. Thật dễ hiểu khi Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky được mời tới Hội nghị này thì việc G7 tiếp tục viện trợ cho Kiev và siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga là đương nhiên. Thế nhưng, với việc xoáy mạnh vào các vấn đề nội bộ, chính trị và quân sự của Bắc Kinh, G7 đã tạo ra một thế trận mới, công khai nhằm vào Trung Quốc dù đã những từ ngữ mỹ miều để tránh thế đối đầu với Bắc Kinh.
Trong tuyên bố chung được công bố ngày 20-5, các lãnh đạo G7 bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông, “Phản đối bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc các biện pháp cưỡng ép”. Cụ thể hơn, G7 cảnh báo Trung quốc về hoạt động “quân sự hoá” ở Biển Đông, tái khẳng định hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là “rất cần thiết” với an ninh toàn cầu, đồng thời kêu gọi giải pháp hòa bình cho căng thẳng ngày càng tăng liên quan đến vấn đề Đài Loan. G7 cũng bày tỏ lo ngại về tình hình Tây Tạng và Tân Cương.
Trong khi đó, liên quan tới Biển Đông, tuyên bố Hiroshima của G7 nhắc lại rằng “Không có cơ sở pháp lý nào cho những tuyên bố chủ quyền lãnh hải dàn trải của Trung Quốc ở Biển Đông, và chúng tôi phản đối tất cả các hành động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực”. Bên cạnh đó, các thành viên G7 đã cam kết sẽ áp dụng một lập trường chung chống lại hàng loạt hành vi theo kiểu “áp bức kinh tế”, tuyên bố sẽ “Chống lại các hành động gian xảo, chẳng hạn như ép buộc chuyển giao công nghệ hoặc tiết lộ dữ liệu một cách bất hợp pháp”...
Vậy là, so với những ngôn từ mà lần đầu tiên G7 đề cập đến Trung Quốc hai năm về trước thì đây là những tuyên bố mạnh mẽ nhất của nhóm này với Bắc Kinh. Thế nhưng, sau thông điệp mạnh mẽ của G7, nhóm này cũng trấn an Bắc Kinh bằng những thuật ngữ đầy tính ngoại giao như khẳng định sẵn sàng thiết lập mối quan hệ “Mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc” và việc “Đề cập thẳng thắn và trực tiếp bày tỏ mối quan ngại của mình với Bắc Kinh” là rất quan trọng. Rõ ràng, trong lúc coi Trung Quốc là mối đe doạ thì G7 cũng muốn tránh thế đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh.
Thế trận “kiềm Trung, vây Nga” của G7 đã được thể hiện rõ trong Tuyên bố chung ở Hiroshima lần này.
Dĩ nhiên, với Trung Quốc không thể chỉ đứng đó nghe G7 lên lớp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được Tân Hoa xã dẫn lời ngày 19-5 đã đưa ra nhận xét về việc thổi phồng các vấn đề liên quan đến Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, kêu gọi các nước ngừng liên kết để thành lập các khối độc quyền. Mạnh mẽ hơn, ngày 21-5, Trung Quốc triệu hồi Đại sứ Nhật Bản ở Bắc Kinh để phản đối tuyên bố chung các nước G7 đưa ra ở Hiroshima. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: Trong buổi triệu Đại sứ Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông nói rằng Tokyo đã hợp tác với các nước G7 “Trong các hoạt động và tuyên bố chung nhằm bôi nhọ, tấn công Trung Quốc, can thiệp thô bạo các vấn đề nội bộ Trung Quốc, vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế cũng như tinh thần 4 văn kiện chính trị giữa hai bên”.
Việc Trung Quốc phản đối Nhật Bản như vậy có thể không chỉ xuất phát từ tuyên bố chung của G7 tại Hiroshima mà còn bởi trong những tháng gần đây, Thủ tướng Nhật Bản - Fumio Kishida, nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh lần này, đã xếp các mối đe dọa đến từ Triều Tiên và Trung Quốc vào diện “Thách thức chiến lược chưa từng thấy” và nhân hội nghị này, ông đã lên kế hoạch kêu gọi các nước đoàn kết một lần nữa, đặc biệt đối với các vấn đề xung quanh Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh dự định thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết. Bên cạnh đó, tháng 4-2023, sau khi cảnh báo Trung Quốc về “các hoạt động quân sự hóa” Biển Đông, các Ngoại trưởng G7 cũng khẳng định: “Không thay đổi” quan điểm của họ đối với Đài Loan. Một tuyên bố nhằm giữ khoảng cách với tuyên bố của Tổng thống Pháp - Macron vào tháng 4 rằng, châu Âu nên tránh bị cuốn vào “Những cuộc khủng hoảng không phải là của mình”.
Tuyên bố Hiroshima cho thấy thế trận của G7 hay nói rộng ra là của phương Tây do Mỹ cầm đầu hiện nay nhằm triệt hạ Nga, vừa bao vây kinh tế của Moscow vừa tăng cường viện trợ vũ khí và tài chính cho Kiev trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trong khi đó, dù rất quan ngại về nhiều vấn đề với Trung Quốc, nhưng G7 vẫn không muốn thế đối đầu với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Vậy nên, việc G7 lên án Trung Quốc, trong đó có vấn đề nước này “quân sự hóa” các đảo chiếm được bằng vũ lực ở Biển Đông, sẽ chẳng làm giảm căng thẳng trong khu vực bởi sau mỗi lần bị lên án như vậy Trung Quốc lại có thêm những động thái lấn át mới.
Thanh Huyền