Nhiều cháu không muốn làm, nhiều cháu biết “có gì đó sai sai”, thậm chí có cháu đã khóc thầm vì phải tát bạn…

Nghĩa là các cháu học sinh lớp 6, ở độ tuổi 11-12, đã nhận thức được rằng “mệnh lệnh” của cô giáo chủ nhiệm không đúng. Ngay từ bậc học tiểu học, các cháu đã được giáo dục rằng không ai có quyền xâm phạm thân thể mình, rồi nội dung thi đua xây dựng “trường học thân thiện” của Ngành Giáo dục cũng đã đề cập rất rõ mối quan hệ giáo viên-học sinh... Vậy tại sao các cháu vẫn răm rắp tuân theo “mệnh lệnh” của cô giáo chủ nhiệm?

Chúng ta có thể trách các cháu học sinh lớp 6 đã vâng lời cô giáo chủ nhiệm một cách thụ động, song nếu tìm hiểu sâu hơn nữa thì có thể hiểu vì sao các cháu lại làm như vậy. Theo như báo chí phản ánh thì cô giáo này đã áp dụng cách “để học sinh tự trừng phạt nhau” khá nhiều lần trước đó, học sinh nào trái lời thì sẽ phải nhận hậu quả. Ngay cả cô Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh, sau khi sự việc vỡ lở còn có ý bao che khi xin báo chí “đừng đưa tin vì trường sắp đạt chuẩn quốc gia”. Thậm chí, khi đã có trát khởi tố mà cô Hiệu trưởng vẫn áp dụng hình thức yêu cầu các cháu học sinh phải “tường trình mà như hỏi cung”. Một bầu “không khí dọa dẫm” được các thầy cô tung ra, ám thị những tâm hồn non nớt, khiến các cháu phải “sống trong sợ hãi” kể từ khi vụ việc được phanh phui. Nếu chúng ta đặt mình vào vị trí các cháu, chúng ta sẽ có cái nhìn cảm thông hơn.

Vậy chúng ta phải làm gì?

Xã hội phải thay đổi quan niệm “con ngoan, trò giỏi” với những chuẩn mực đã tồn tại cả nghìn năm nay. Thực chất thì trong nền giáo dục mới, chúng ta đã thay đổi khá nhiều, nhưng vẫn còn đó rất nhiều nội dung lạc hậu chưa được đổi mới. Ngành Giáo dục phải xóa bỏ phương thức giáo dục áp đặt trong tất cả các cấp học. Ngay từ lớp 1 đã phải hướng dẫn học sinh tinh thần tôn trọng khoa học, tôn trọng chân lý. Kiên quyết xử lý và đưa khỏi ngành những thầy - cô giáo vi phạm đạo đức người thầy.

Thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang xâm nhập vào từng ngõ ngách đời sống, trong đó có giáo dục. Trong thời đại này, cả xã hội phải là một ngôi trường lớn. Trong “xã hội học tập” thì mỗi người vừa là thầy, vừa là trò. Có những giáo sư sáng đi giảng trên trường đại học, chiều đến làng nghề để “thụ giáo” những nghệ nhân chỉ có trình độ văn hóa tiểu học. Hay chuyện những bậc cha mẹ nhờ con cháu dạy ngoại ngữ, tin học. Rồi chuyện các nhà giáo học tập lẫn nhau... Quan hệ “thầy-trò” hiện nay và mai sau đã thay đổi hoàn toàn, ngôi thứ thầy-trò đan xen, hòa quyện vào nhau, thúc đẩy các giá trị dân chủ trong nhà trường và toàn xã hội.

Chuyện buồn trên có thể coi là hồi chuông cảnh tỉnh, để chúng ta biến chuyện buồn thành cơ hội đổi mới. Không chỉ đổi mới trong trường học mà phải đổi mới quan niệm trong toàn xã hội!

Nguyễn Hồng