Thế mạnh đa phương
Tên lửa đất đối đất do Iran sản xuất được trưng bày tại một cuộc triển lãm ở Tehran, Iran, tháng 2-2019.
Lệnh cấm vận mua bán vũ khí thông thường của Liên Hợp quốc (LHQ) nhằm vào Iran suốt 5 năm qua đã chính thức được dỡ bỏ ngày 18-10, bất chấp đề xuất của Mỹ nhằm kéo dài lệnh cấm này. Chưa chắc Iran sẽ ngay lập tức mua sắm vũ khí sau thời điểm này hay không nhưng rõ ràng việc lệnh cấm được bãi bỏ là chiến thắng của ngoại giao đa phương, khẳng định một quốc gia không thể áp đặt ý chí của mình lên số đông.
Ngày 18-10, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố: "Kể từ hôm nay, mọi hạn chế đối với việc chuyển giao vũ khí, các hoạt động liên quan và dịch vụ tài chính đến và đi từ Cộng hòa Hồi giáo Iran đều tự động chấm dứt". Trước đó, Tổng thống Iran - Hassan Rouhani tuyên bố nước này sẽ được tự do mua bán vũ khí bắt đầu từ ngày 18-10 vì lệnh cấm vận vũ khí của LHQ sẽ chấm dứt theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Mỹ. Tổng thống Rouhani khẳng định, đây là một trong những thành quả của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức).
Thế nhưng, theo thỏa thuận này, Iran thu hẹp chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm vận vũ khí 5 năm sau khi thỏa thuận trên được thông qua. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã rút khỏi JCPOA và đơn phương áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Đầu năm nay, Mỹ đã cố gắng vận động để khôi phục các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran, bao gồm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí, nhưng tất cả các dự thảo nghị quyết do Washington đưa ra đều bị bác bỏ. Đề xuất của Mỹ tại HĐBA không được thông qua là chiến thắng của cơ chế đa phương, hòa bình và an ninh. Khẳng định như vậy bởi một thực tế là vì Mỹ đã tham gia nên có JCPOA nhưng việc Mỹ tự rút khỏi JCPOA không có nghĩa Mỹ ép các nước còn lại làm theo mình. Bên cạnh đó, chính Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức cũng có những lợi ích về an ninh, năng lượng và các mối quan hệ hợp tác với Iran.
Trở lại lệnh cấm vận vũ khí, vấn đề lúc này mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn thực tế bởi Iran chưa chắc đã mua và bên bán chưa chắc đã bán. Mỹ có quyền nghi ngờ Iran sẽ cố gắng mua báy bay chiến đấu, xe tăng và các trang thiết bị quân sự khác từ Nga, đồng thời thúc đẩy kế hoạch bán vũ khí cho Venezuela bởi Tổng thống Venezuela từng đề cập khả năng mua tên lửa của Iran. Đó là lúc trước còn bây giờ Venezuela có thể không còn nhu cầu và thực tế không đủ năng lực để mua bởi nền kinh tế của nước này gần như đã sụp đổ. Trong khi đó, Iran chưa chắc đã mua ngay được từ Nga và Trung Quốc dù thực sự cần bởi nhiều lý do. Nga và Trung Quốc cũng có mối quan hệ với các quốc gia khác trong vùng Vịnh nên cũng có thể cân nhắc khi bán vũ khí cho Iran.
Dù gì, việc JCPOA được thực hiện nghiêm túc tới thời điểm này cũng đã giúp duy trì được thế ổn định ở Trung Đông suốt 5 năm qua. Cho dù các cuộc xung đột rải rác vẫn xảy ra nhưng nỗi lo sợ về việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân đã được giải tỏa. Iran và các nước còn lại đã cho thế giới thấy sự hợp tác, đối thoại, tôn trọng lẫn nhau sẽ hóa giải nhiều nghi ngờ, hiềm khích và hướng tới hòa bình. Tuy vậy, việc Mỹ vẫn đơn phương duy trì các lệnh cấm vận kinh tế với Iran cũng như mối nghi kỵ lẫn nhau giữa hai quốc gia này vẫn là nguy cơ dẫn tới xung đột nếu hai bên không kiềm chế, minh bạch và đối thoại với nhau.
Thanh Huyền