Thế giới này là của chung
8 trang của một tờ báo địa phương ở Ý tràn ngập các thông tin cáo phó
Có lẽ chưa bao giờ câu nói “Thế giới này là của chung” lại dễ đi vào lòng người như lúc này. Nhưng đáng tiếc, càng ngày người ta càng được chứng kiến “khẩu hiệu” ấy dường như chưa đủ mạnh để làm chi phối hành động của không ít nước. Mà buồn thay nó không phải do nghèo đói, do yếm thế, thậm chí cũng không phải đến mức không biết!
Thấy chưa. Dịch Covid-19 bắt đầu khởi phát ở T.P Vũ Hán, Trung Quốc mà chỉ sau hơn 2 tháng đã lan ra hầu khắp các nước trên thế giới, trở thành đại dịch toàn cầu - nguyên nhân thậm chí là do sự bất cẩn của một vài người.
Thấy chưa. Các nước cuối con sông Mê Kông, đặc biệt là Việt Nam - nước cuối cùng đón nước sông đổ ra biển lớn đã và đang chịu hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề nhất từ trước tới nay - nguyên nhân chủ yếu cũng là do các nước, nhất là những nước trên thượng nguồn thi nhau ngăn dòng làm thủy điện…
Thấy chưa. Đại dịch Covid-19 đã làm hàng nghìn người thiệt mạng, giải pháp cách ly là biện pháp số một, thì một nhóm những nhà khoa học nước Anh lại đưa ra lý thuyết: “Miễn dịch cộng đồng” - tạm thời hiểu là nếu có 90% cộng đồng (trong nước) đã mắc bệnh và qua khỏi, cơ thể họ sẽ có kháng thể chống virus, không mắc lại nữa trở thành “lá chắn sống” xung quanh những người chưa bị nhiễm...
Đến nay nước Anh và cộng đồng châu Âu trở thành tâm dịch, thì việc chặn dịch đã trở nên quá tốn kém, thậm chí nước Ý bị Dịch cho “nốc ao” phải kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng.
Bao giờ thế giới này thực sự là của chung? Điều đó còn phụ thuộc vào Liên Hợp quốc - “người cầm lái vĩ đại” thật, chứ không để các nước lớn chi phối như hiện nay.
Huy Thiêm