Thẻ chíp!
(Báo tháng 6) - Những chiếc thẻ ATM với công nghệ gắn chíp điện tử cùng với hệ thống kết nối thanh toán chuẩn EMV đã chính thức ra mắt tại 7 ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam với những cam kết sẽ triển khai gắn chíp toàn bộ thẻ ATM trên tất các hệ thống thanh toán của các NHTM Việt Nam. Đây là lộ trình nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Công nghệ tăng tính bảo mật, an toàn trong thanh toán
Thẻ chíp (dưới đây gọi tắt là thẻ) là loại thẻ có gắn chíp điện tử, lưu trữ thông tin quan trọng được mã hóa và chỉ được giải mã qua phần mềm kiểm soát được tích hợp để giải mã thông tin trong thẻ.
Với công nghệ bảo mật hiện đại, thẻ sẽ trở nên gần như an toàn tuyệt đối. Thực tế những chiếc thẻ đầu tiên đã ra đời từ năm 1990, nhưng do giá thành cao nên mãi đến năm 2000, khi công nghệ chế tạo chíp được phát triển làm giá thành hạ thấp hơn, thẻ mới trở nên phổ biến tại các quốc gia vùng lãnh thổ châu Âu, Đài Loan, Malaysia.
Quy trình xử lí công nghệ thẻ hiện tại mà ngành Ngân hàng và hệ thống kết nối thanh toán tại Việt Nam đang triển khai theo chuẩn quốc tế EMV (viết tắt của Europay, MasterCard, Visa, là ba tổ chức đã phát triển và thiết lập EMV thành tiêu chuẩn toàn cầu cho các giao dịch tín dụng và ghi nợ dựa trên công nghệ chip). Chúng được biết đến như là chuẩn mực thẻ của châu Âu, mà các "đại gia" về thẻ trên thế giới thừa nhận, triển khai trong hệ thống của mình.
Theo phân tích của "đại gia" thẻ Visa, thẻ chip với công nghệ gắn microchip, khi được kết hợp với số nhận dạng cá nhân (PIN) đã trở thành giải pháp chống giả mạo, gian lận khi thẻ bị thất lạc hoặc bị đánh cắp. Công nghệ của thẻ cũng ngăn không cho thẻ bị làm giả cộng với yếu tố mã PIN xác nhận chủ sở hữu duy nhất.
Khi được sử dụng tại một điểm giao dịch bán hàng, tin nhắn xác nhận giao dịch được gửi tới để xác nhận sẽ không chứa bất kỳ dữ liệu nào có thể bị sử dụng để giả mạo chip hoặc thực hiện giao dịch trái phép bằng cách dùng lại những dữ liệu thu được từ giao dịch trước.
Đặc biệt, đối với các du khách trên thế giới, việc phải thanh toán nhiều nơi, nhiều điểm là tất yếu. Và, trong trường hợp chủ thẻ được tổ chức phát hành cài đặt là "thẻ ưu tiên sử dụng PIN" thì luôn luôn phải sử dụng mã PIN khi thanh toán nhằm xác minh chủ giao dịch thực sự. Nhờ đó, tính an toàn trở nên vượt trội so với các hình thức thanh toán không tiền mặt khác.
Bước đầu miễn phí cho khách hàng
Tại buổi lễ ra mắt thẻ mới theo công nghệ chíp của 7 NHTM tiên phong gồm Vietcombank, Sacombank, Tienphongbank, Vietinbank, BIDV, Agribank và Abbank, đại diện của cả 7 NHTM trên đều khẳng định sẽ không thu bất cứ khoản phí nào với các khách hàng đổi thẻ.
Tuy nhiên, các NHTM cũng sẽ ưu tiên đổi thẻ cho những khách hàng có thẻ đến và sắp hết hạn, các trường hợp có nhu cầu đổi từ thẻ ATM băng từ sang công nghệ chíp cũng đều được đổi miễn phí.
Ông Chu Hồng Ngọc - Giám đốc khối vận hành Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), trao đổi hiện VPBank có 500 máy POS và khoảng 1,5 triệu thẻ nội địa cần phải nâng cấp trong tổng số hơn 3,8 triệu thẻ tín dụng và ghi nợ đã phát hành. VPBank cam kết sẽ chi trả toàn bộ chi phí chuyển đổi sang thẻ chíp cho khách.
Ông Ngọc khẳng định: Dù chi phí nâng cấp cũng như chuyển thẻ từ sang thẻ chíp tương đối lớn (ví dụ, chuyển đổi 1 triệu thẻ của ngân hàng Tienphongbank hết khoảng 30 tỉ đồng), nhưng đây là một trong những trọng tâm của ngân hàng trong việc đảm bảo an toàn cho khách hàng cũng như cho chính ngân hàng.
Khẳng định về triển khai đầu mối đổi mới công nghệ chuyển mạch kết nối thanh toán liên ngân hàng với công nghệ thẻ chíp mới, bà Nguyễn Tú Anh - Chủ tịch hội đồng quản trị Napas, khẳng định từ ngày 1-5, Napas hỗ trợ 80% phí chuyển mạch cho các ngân hàng khi chuyển đổi thẻ chíp nội địa.
Bà Tú Anh cũng cho biết: Bên cạnh đó, Napas cũng đang nghiên cứu việc hợp tác với các tổ chức phát hành thẻ quốc tế để cùng với các ngân hàng Việt Nam phát hành thẻ đồng thương hiệu giữa thẻ chíp nội địa và thẻ chíp quốc tế, cho phép chủ thẻ thanh toán ở cả trong nước và nước ngoài.
Phạm Hoài Phi