Thế bí

Thủ tướng Anh - Boris Johnson (đứng giữa) tại phiên bỏ phiếu ở Hạ viện.

Cựu Thủ tưởng Anh - Theresa May được bầu lên để thực hiện mong muốn đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) theo mong muốn của cử tri xứ sở Sương mù. Bà May đã phải từ chức mà không thực hiện được ý định. Brexit lâm vào thế bí, đi không được, ở không xong. Người kế nhiệm của bà May, ông Boris Johnson, cũng lại rơi vào thế bí này.

Kịch bản cho Brexit rất đơn giản: Nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu có thỏa thuận, không có thỏa thuận hoặc Chính phủ Anh phải thu hồi Điều 50 và dừng toàn bộ tiến trình.

Điều 50 của Hiệp ước Lisbon quy định rằng bất kỳ nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nào cũng có thể quyết định rút khỏi EU, phải thông báo cho Hội đồng châu Âu và đàm phán về việc thoái xuất. Bất kỳ thỏa thuận thoái xuất nào cũng phải được chấp thuận bởi đại đa số (tối thiểu 72% trong số 27 quốc gia còn lại của EU, đại diện cho 65% dân số EU), đồng thời phải nhận được sự ủng hộ của các thành viên của Nghị viện châu Âu.

Rất khó để không thực hiện Điều 50 bởi như vậy có nghĩa nước Anh quyết định sẽ ở lại EU và trái với ý nguyện của phần lớn cử tri Anh. Trên thực tế, để làm được điều này chỉ còn cách tổ chức trưng cầu dân ý lại và theo đó nước Anh phải sửa lại Hiến pháp: Một việc quá khó chưa nói đến tình huống sau khi trưng cầu dân ý lại, cử tri vẫn muốn có Brexit.

Vậy là, chỉ còn hai khả năng là Thủ tướng Johnson vẫn phải chèo lái để nước Anh “ly hôn” với EU có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận. Chọn một trong hai mà vẫn rất bí.

Chính phủ của cựu Thủ tướng May đã đạt được một thỏa thuận về Brexit với EU, nhưng bản thỏa thuận này không được Quốc hội Anh thông qua khiến bà May phải từ chức trong nước mắt. Trước đó, 36 Bộ trưởng trong nội các của bà May đã từ chức vì bất đồng với bà. Do Chính phủ cũ đã có thỏa thuận về Brexit với EU nên chính phủ của ông Johnson khó có thể thực hiện việc đàm phán lại để có được một thỏa thuận với EU tốt hơn cho nước Anh. Do đó, kịch bản Brexit có thỏa thuận tới giờ gần như không thể thực hiện.

Vậy là, chỉ còn khả năng Brexit không thỏa thuận mà thôi. Thế nhưng, mọi nỗ lực của ông Johnson nhằm đạt được Brexit không thỏa thuận vào ngày 31-10 tới cũng đã bị chặn lại. Quốc hội Anh đã thông qua dự luật nhằm ngăn chặn kịch bản này bằng cách buộc Thủ tướng phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh tại liên minh thêm 3 tháng - tức là lùi hạn chót đến ngày 31-1-2020 - nếu Quốc hội hoặc không thông qua được một thỏa thuận Brexit, hoặc đồng ý rời EU không thỏa thuận vào ngày 19-10.

Đây cũng lại là một thế bí khiến Thủ tướng Johnson phải vận động cho một cuộc bầu cử sớm vào giữa tháng 10 để thiết lập một thế đa số mới ủng hộ chiến lược Brexit đưa Anh rời EU bằng mọi giá. Nếu cuộc bầu cử này được thực hiện và nếu đảng Bảo thủ của ông Johnson chiến thắng, ông Johnson sẽ có cơ hội thực hiện Brexit không thỏa thuận và biết đâu đó ông cũng có được một thỏa thuận Brexit tốt hơn với EU. Mọi chuyện vẫn là chữ “nếu”.

Brexit quả là đang ở thế tiến thoái lưỡng nan. Những diễn biến trên chính trường Anh cho thấy dù Brexit theo kịch bản nào và cho dù ai là Thủ tướng Anh - người dẫn dắt Brexit - thì ngày nước Anh rời khỏi EU vẫn còn là một điều xa vời.

Ngọc Hưng