Ở đây, tôi được nhiều người kể về đại tá Trương Đình Chính, Phó tư lệnh về chính trị Binh đoàn 15 xây dựng kinh tế Tây Nguyên, nào ông là một cán bộ chỉ huy nhiệt tình, tận tụy, nào ông rất quan tâm tới đồng bào các dân tộc địa phương, nào phương pháp, tác phong công tác đảng, công tác chính trị của ông rất sinh động.. Tôi nghe, chỉ tủm tỉm cười, bởi giới thiệu chung chung thế, làm sao gây được ấn tượng. Nhưng khi họ nói thêm rằng: Ông còn là một thầy lang nữa, từng cứu chữa cho nhiều bà con người Gia Rai, Ê Đê, Ba Na thì tôi lại thấy háo hức, tò mò...

Tôi quyết định rời Đà Nẵng lên Plây Cu, nơi đại bản doanh của Binh đoàn 15 đóng quân. Trước khi đi, tôi đã dò hỏi được chút ít cuộc đời của ông: Nhập ngũ từ những năm kháng chiến chống Pháp; tiếp đến 10 năm lăn lộn với chiến trường miền Nam đánh Mỹ; đất nước thống nhất, ông lại theo sư đoàn ngược lên Tây Nguyên, xa tiếp vùng quê Ninh Bình, nơi vợ ông đã từng hương khói thờ cúng ông suốt một năm ròng vào những năm sáu mươi khi nghe tin ông đã hy sinh bên dòng Pô Cô xa lắc. 16 năm lên rừng, Sư đoàn 332 của ông đã xây dựng lên khu kinh tế lâm - nông - công nghiệp Kông Hà Nừng; tiếp đó, lại đến tận Chư Prông, nơi chưa có chợ búa, bệnh xá, trường học, cách bến xe Plây Cu hàng trăm ki-lô-mét, để xây dựng các nông trường cao su quân đội, cùng bà con làng bản các dân tộc Gia Rai, làm ra “vàng trắng” cho tổ quốc. Ông trở thành thầy lang bắt đầu từ đây...

Vừa lên Plây Cu, tôi tìm đến nơi ông làm việc ngay. Một chiến sĩ cho biết: Là ngày nghỉ, ông đang tới một bản xa chữa bệnh cho đồng bào, kết hợp tìm thêm cây thuốc; anh nói là ông cũng sắp về và dẫn tôi vào phòng nghỉ của ông ngồi đợi. Tôi bị hút ngay vào một giá sách lớn: Hàng trên là các bộ Tư bản luận, tuyển tập Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, tiếp đến là các loại sách phục vụ cho công tác chính trị, quân sự và kinh tế, như Hồ Chí Minh tuyển tập, Binh thư yếu lược, Tây Sơn Nguyễn Huệ, Ba lần chống quân Nguyên; rồi một hàng sách văn học: Chuyện thường ngày ở huyện, Quy luật của muôn đời, Những người thích đùa; Đất nước đứng lên. Cuối cùng là những dãy sách chen chúc đầy đặn hơn; lướt qua đã thấy quả thật ông phó tư lệnh này muốn trở thành “thầy lang” thật! Đây, Những cây thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi; Hải thượng y tôn tâm lĩnh của Lãn ông Lê Hữu Trác; Nam dược thần diệu của Tuệ Tĩnh; rồi Hướng dẫn trồng và sử dụng thuốc nam... Lại còn một ngăn riêng, trong đó để 5 tập ghi chép dày cộp của ông và 4 cuốn sổ chép tay những bài thuốc Nam sưu tầm từ đâu đó, bìa cuốn nào cũng ghi “Kính tặng bố! Con: Trương Thị Ngà, khoa Sinh, đại học tổng hợp Đà Lạt”. Sau này tôi mới biết, đó là cô con gái út của ông.

Ông chợt về, giọng cởi mở:

  • Phải chờ hả? Sao không điện trước? Có một ca cấp cứu mà! Bây giờ ở đây đã có bệnh viện, nhưng bà con lại cứ tìm tới mình...

  • Bệnh có nguy hiểm không ạ? - Tôi hỏi.

  • Một già làng bị rắn độc cắn và một cháu sinh được ba ngày đêm rồi mà cứ khóc ngằn ngặt...

  • Anh cứu được cả chứ?

Đại tá Chính cười hà hà:

  • Tạm được! Tôi có 29 bài thuốc chữa chó dại và rắn, rết kia mà. Trong 29 bài đó, 15 bài tôi học được ở sách Hải Thượng Lãn Ông, 4 bài ở sách Tuệ Tĩnh, 6 bài ở dân gian, còn 4 bài một lần ra Hà Nội họp, tôi học của cụ Lang Chấn - cụ Chấn ở Viện y học dân tộc Quân đội đấy. Riêng cháu nhỏ thì... tra sách mãi không có, tôi lại nhớ ra một bài thuốc truyền khẩu. Cũng là chữa liều chứ giải thích thì... chịu. ấy là lấy 7 hạt gạo nếp sao vàng, tán nhỏ với hoa đèn, khi xoa thứ bột này vào vú mẹ và miệng con, thì để dưới chân giường một chiếc gương nhỏ... Cũng lạ, chữa theo cách đó, vài phút sau, cháu nhỏ đã bú mẹ ngon lành...

Tôi lân la hỏi chuyện:

  • Chắc anh sinh ra từ một gia đình có nghề thuốc gia truyền?

Đại tá Chính trả lời thành thật:

  • Không, mà núi rừng Tây Nguyên đã hướng tôi vào cái thú này. Quả là rừng vàng, biển bạc như dân ta vẫn truyền tụng thật. Hồi Sư đoàn 332 lên khai hoang Kông Hà Nừng, tôi ngỡ mình ngồi trên núi thuốc. Nào rừng quế, rừng sa nhân, rừng cây vàng đắng... Không phải nhiệm vụ trên giao, song mỗi năm, đơn vị tôi cũng chiết xuất từ vàng đắng ra được 2 tấn béc-be-rin, loại thuốc chữa các bệnh đường ruột mà mấy lần Học viên Quân y sản xuất đoạt huy chương vàng trong nước và quốc tế đó. Rừng giàu có, song khí hậu của rừng thật khắc nghiệt. Chúng tôi đã làm thử một cuộc điều tra qua nhiều đêm, ở nhiều vùng khác nhau, thấy tỉ lệ mắc các loại bệnh cao hơn dưới đồng bằng nhiều lắm. ở bên đơn vị quân khí chỉ có 100 người, trung bình mỗi năm 17 vụ rắn cắn, 40% viêm đường tiết niệu, 90% bị sốt rét; ở đơn vị vận tải, có 114 người, thì 111 người sốt rét. Bệnh nhiều mà thuốc tây có đủ đâu. Chả lẽ ngồi trên đống thuốc mà chịu cho bệnh dịch hoành hành sao? Thế là mọi người cùng mày mò, cùng hỏi nhau tìm ra cây thuốc, tìm ra cách chữa. Kinh nghiệm “sống” chưa đủ, tìm trong sách, trong báo. Đấy, bà con dân tộc ở đây cứ gọi tôi là “thầy lang tư lệnh” là vì lẽ đó...

Đại tá phó tư lệnh Trương Đình Chính nhấp một ngụm trà, cười, nói tiếp:

  • Tết vừa rồi về phép, tôi đã bàn với nhà tôi và các cháu rồi, khi nào tôi về hưu, cả nhà sẽ cùng chuyển vào Tây Nguyên. Trong này đất bazan màu mỡ, làm VACR rất thuận; mà tôi lại theo được nghề “thầy lang” như bà con buôn làng vẫn gọi, anh bảo thế có hay không nào?...

Tôi buông một câu xã giao vô thức:

  • Ôi dào, cả đời chinh chiến rồi, được về nghỉ, anh cứ thảnh thơi dưỡng sức...

Nghe vậy, anh bỗng cười vang, vẻ đùa nhưng lại là thật:

  • Ơ kìa, khi chúng ta vào Đảng, đều đọc to lời hứa “Sẽ cống hiến đến hơi thở cuối cùng” kia mà? Vả lại, có làm việc, con người mới nhanh nhẹn, khoẻ khoắn ra, nhất là mỗi khi đẩy lùi một con bệnh cho bà con, lòng thanh thản sung sướng lắm anh ạ! Và thế là niềm vui sẽ giúp cho mình được trường thọ thêm thôi...

Thì ra vị phó tư lệnh trở thành một “thầy lang” để chăm lo cho sức khoẻ con người, cũng xuất phát từ tình yêu như ông từng chăm lo đến tâm hồn, tư tưởng chiến sĩ suốt bao năm chiến đấu và lao động xây dựng đất nước. Nghe tin đại tá Dương Đình Chính đã nghỉ hưu sau ngày tôi được gặp ông ít lâu, tiếc là không nắm được cụ thể ông về nghỉ ở vùng nào. Song tôi tin người CCB dày dặn qua mấy cuộc chiến tranh, lại đã tích luỹ được khá nhiều tri thức y học đó, đang phát huy cao độ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đang là một thầy lang nhân hậu, ngày tháng hết lòng với những bài thuốc chữa bệnh cứu người.

Nguyễn Phúc Ấm