Thầy giáo vượt lên thương tật, tù đày
Ở xã Lam Cốt (Tân Yên, Bắc Giang) ai cũng biết CCB, thương binh, Cựu giáo chức Trần Thế Tân. Đến thăm ông vào một chiều mùa Thu, nắng vàng trải khắp không gian căn nhà nhỏ, gọn gàng, sạch sẽ. Ông tâm sự: “Tôi năm nay 80 tuổi. Nếu không bị thương, bị địch tra tấn chắc chắn sức khỏe còn tốt hơn nhiều. Từ năm 1963, tôi dạy học ở Trường cấp I Ngọc Thiện, nay gọi là trường tiểu học.
Tháng 3-1967, chiến tranh ngày càng ác liệt ở hai miền đất nước, tôi tình nguyện nhập ngũ; vào huấn luyện tân binh tại Trung đoàn 568, tháng 9-1967, tôi đi chiến trường. Sau 5 tháng hành quân bộ, chúng tôi đến Bình Định. Tết Mậu Thân -1968, đơn vị chúng tôi chiến đấu ở Hoài Nhơn, Phù Mỹ (Bình Định). Tháng 6-1968, tôi bị thương. Do địch vây ráp liên tục nên đơn vị không chuyển thương binh lên núi được. Tôi ở lại nằm hầm do dân nuôi.
Trong một trận càn có cả Mỹ, cả ngụy, chúng gọi hàng. Tôi đang bị thương, tay không vũ khí, xác định lần này chắc hy sinh. Nhưng chúng chỉ bắn tôi bị thương và lôi ra khỏi hầm. Đưa lên trực thăng, chúng chuyển tôi đến căn cứ pháo binh Đèo Nhông gần đó. Chúng khai thác tôi ngay về tên tuổi, quê quán, đơn vị, đóng quân ở đâu…Tôi đều khai không đúng sự thật. Mình ở Hà Bắc thì khai ở Hải Phòng, tên là Tân thì khai tên Nguyễn Văn Minh, mới vào không biết tên đơn vị. Địch chỉa súng ngắn vào ngực bắt chỉ bản đồ, tôi khai học lớp 3 nên không biết bản đồ là gì. Sáng hôm sau chúng đưa tôi vào nhà thương Quy Nhơn. Ở đây tôi bị những bác sĩ thực tập người Mỹ cắt chân trái. Rất nhiều đồng đội của chúng ta bị bắt vào đây cũng bị như thế. Người bị cắt tay, người bị moi mắt, người bị cắt chân, người bị mổ bụng để ruột lòi ra ngoài. Sau khi vết thương tạm ổn, chúng đưa tôi và nhiều anh em khác vào nhà tù Phú Tài. Đầu năm 1969, chúng chuyển tôi lên nhà tù Pleicu, Gia Lai. Tháng 7-1969 chúng lại chuyển về nhà lao Biên Hòa. Tháng 5 -1970 địch đưa tôi và nhiều anh em khác ra đảo Phú Quốc.
Cách thức tra tấn, hành hạ tù binh, cuộc sống của người tù ở Phú Quốc đã được nhiều người kể, báo, đài đã nói nhiều rồi, tôi không nhắc lại nữa. Cuối năm 1972 địch lại đưa chúng tôi về Biên Hòa, chuẩn bị cho việc trao đổi tù binh theo Hiệp định Paris. Tháng 3-1973 tôi được trao trả tại sông Thạch Hãn. Sau trao trả tôi về điều dưỡng tại Nam Hà.
Tháng 4-1976, tôi lại về lại Trường cấp I Ngọc Thiện, nơi cách đó 9 năm tôi từng giảng dạy, công tác rồi nhập ngũ. Sau chuyển về dạy Trường cấp I Ngọc Châu. Năm 1981 tôi về hưu theo chế độ”.
Được hỏi về kỷ niệm nào sâu sắc không thể nào quên thời quân ngũ, đặc biệt là những năm bị tù đày, CCB, cựu giáo chức Trần Thế Tân chia sẻ: “Sau nhiều năm bị địch giam gữ, đưa đi nhều nhà lao nhưng tôi nhớ nhất là khi ở nhà lao Biên Hòa. Chi bộ nhà tù chuẩn bị cho cuộc đấu tranh chình trị đòi cải thiện đời sống, chống đánh đập tù nhân... Sự chuẩn bị vô cùng tỷ mỷ, khẩn trương, bí mật, quyết giành thắng lợi. Ngày 28-3-1970 tổ chức cuộc đấu tranh. Tôi được phân công thay mặt anh em phát biểu. Khi phát biểu xong, cai nhà tù ghi tên tôi: Nguyễn Văn Minh, số tù 6263138. Biết là sẽ bị trả thù nhưng tôi xác định dù có hy sinh vẫn sẵn sàng. Một tuần sau, chúng gọi tôi lên. Khi đi, tôi chào anh em trong phòng. Anh em động viên: “Cố gắng nhé”. Quả không ngoài dự đoán: địch tra tấn tôi. Chúng dùng máy quay điện, kẹp hai đầu dây vào tai, dùi cui, thước vuông, củ tre. Vừa hỏi vừa tra tấn bằng hính thức đánh, quay điện, bịt khăn vào mặt rồi tưới nước cho ngộp thở, dí thuốc lá đang cháy vào mặt. Người tôi co rúm lại và sùi bọt mép. Khi khỏe còn biết đau, khi người đã nhũn ra thì không biết gì nữa”. Được biết sau cuộc đấu tranh anh dũng ấy, ông Trần Thế Tân viết đơn xin gia nhập Đảng bằng máu, được Chi bộ kết nạp vào Đảng ngay trong nhà tù.
Khi về hưu ông là thương binh nặng trên 86%, bị nhiễm chất độc da cam trên 60%, được hưởng chế độ hưu trí, chế độ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, đã được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Bí thư Đảng ủy xã Lam Cốt - Dương Anh Tuấn chia sẻ: “Ông Trần Thế Tân thời trẻ đã cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc. Khi về hưu là CCB, thương binh, cựu giáo chức gương mẫu. Về hưu, thương tật đầy mình ông vẫn tham gia làm Chi hội trưởng CCB thôn, Hội trưởng Ban liên lạc các chiến sĩ bị địch bắt tù đày. Nhiều năm còn đạt danh hiệu người “kinh doanh giỏi”. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, có nhiều đóng góp bằng cả vật chất và tinh thần cho thôn Bài Giữa, cho xã Lam Cốt… Xã Lam Cốt chúng tôi rất tự hào vì có những công dân, đảng viên mẫu mực như CCB Trần Thế Tân”.
Đào Hồng