Thầy giáo của học trò “tuổi sáu mươi”

Ông Nguyễn Văn Hiến (thứ hai phải sang) cũng “bộ ba” - Bí thư, Tổ trưởng, Tổ phó dân phố (đều là CCB) đi vận động nhân dân thực hiện “đường thông, hè thoáng”.

Ngày ngày, bà con ngõ 19, phố Vương Thừa Vũ, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, T.P Hà Nội vẫn thường gặp một cụ ông, khi thì cần mẫn nhặt, gom lại từng túi ni lông rác của ai đó để “quên”; khi thì lụi hụi khơi thông hố ga tập thể; khi quét dọn con ngõ… Đó chính là người CCB già - ông Nguyễn Văn Hiến, 85 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng.

Một lần thấy ông đang cặm cụi dọn hố ga của ngõ, tôi thấy ái ngại, ông Hiểu xởi lởi nói:

- Tôi nghỉ hưu rồi, có thời gian được làm những công việc thế này là khỏe ra đấy. Ở nhà cũng thế, có con, có cháu, nhưng vợ chồng tôi chẳng nề hà, làm được việc gì là làm, kể cả rửa bát, lau nhà… lao động vui lắm chú ạ.  

- Nhưng kể ra mọi người phải có ý thức giữ vệ sinh chung mới đúng.

- Chú nói thế thì đúng rồi, nhưng thôi cứ từ từ. Thực tế, cũng có hộ đi sớm về tối, lại có hộ cho thuê nhà… nên cũng có lúc họ nhỡ không đổ rác được đúng giờ, mình về hưu có thời gian lại là “cán bộ” thì cứ làm trước đã. Khi mọi người thấy đúng chắc sẽ cũng tự giác làm thôi.

Đúng như ông nói, bây giờ con ngõ nhỏ này ai nấy đều tự giác giữ gìn vệ sinh chung.

Biết chúng tôi cũng là bộ đội về hưu mới được bầu làm công việc mặt trận trong tổ dân phố, với kinh nghiệm của hơn 40 năm trong quân đội và gần 20 năm tham gia công tác ở địa phương cư trú, ông Hiến tỏ ra rất cảm thông. Ông dành cả buổi trao đổi với chúng tôi về công việc “vác tù và hàng tổng” này.

Ông nhớ vánh vách  hoàn cảnh của từng gia đình, nhất là những gia đình còn “gờn gợn” (cách nói của ông), như anh B hay rượu chè to tiếng; vợ chồng chị C khủng khẳng; cháu K hay bỏ học… Ông bảo, mình làm công tác mặt trận phải hiểu thấu từng nhà, rồi đến với họ bằng tình thương yêu, như “mưa dần thấm lâu”, từng bước giúp họ nhận thức lại cho đúng. Khi người ta chưa nhận thức ra là người làm công tác dân vận chưa hoàn thành. Nhưng muốn để người ta nghe mình khuyên giải thì bản thân mình phải có uy tín, nhất là phải miệng nói tay làm và nhớ không được đưa chuyện của gia đình họ ra đàm tiếu…

Ông kể, trong khu phố đã từng có một gia đình kinh tế không lấy gì làm khá giả, bố về nghỉ theo chế độ “mất sức”, mẹ buôn thúng bán mẹt bươn trải kiếm sống. Nhưng người con trai lại ham chơi, đua đòi lêu lổng làm cho bố mẹ rất phiền lòng. Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, ông đã cùng anh em trong tổ dân phố kiên trì gặp gỡ, thuyết phục nhiều tháng liền.

Từ những lời góp ý có lý, có tình của ông và có lẽ tác động hơn cả là chính tấm gương của ông mà người con của gia đình đó đã thay đổi gần như hoàn toàn trở nên siêng năng, lam làm, chăm lo cho bố mẹ. Hiện nay anh đã lấy vợ lập gia đình riêng cuộc sống khá ổn định.

Còn nhiều, nhiều những dẫn chứng về cách vận động quần chúng của ông như những bài học sâu sắc cho học trò “tuổi sáu mươi” chúng tôi.

Bài và ảnh: Nguyễn Đông Thức