Thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”
Ngày 5-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một bộ phận nhẹ cơ quan chỉ huy lên đường đi Điện Biên Phủ. Trước khi lên đường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ căn dặn: “Tướng quân tại ngoại, cho chú toàn quyền…”. Bác còn nói “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”… Nhưng khi đến Sở chỉ huy tiền phương, nghe bộ phận tiền trạm báo cáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thấy việc lựa chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” là quá mạo hiểm, khác với báo cáo của Tổng quân uỷ đã được Bộ Chính trị phê duyệt. Ông cho rằng đánh nhanh không thể giành thắng lợi, nhưng chưa đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án các đồng chí đi trước đã lựa chọn. Cũng không còn thời gian báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, nên ông đồng ý triệu tập Hội nghị triển khai kế hoạch tác chiến.
Ngày 14-1-1954, tại hang Thẩm Púa, Sở chỉ huy đầu tiên của chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phổ biến mệnh lệnh chiến đấu theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”… Dự kiến trận đánh sẽ diễn ra trong hai ngày, ba đêm. Thời gian nổ súng ấn định lúc 17 giờ ngày 20-1-1954. Trước mắt cần tập trung lực lượng mở nhanh một con đường bí mật qua núi để dùng sức người kéo pháo vào trận địa dã chiến ở hướng Bắc Điện Biên Phủ. Nhưng ông cũng kết luận: “Hiện nay, địch chưa có triệu chứng thay đổi lớn. Chúng ta cần ra sức nắm vững địch tình, để một khi địch có thay đổi thì kịp thời xử trí…”.
Ngay đêm 14-1-1954, hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ được rải ra suốt các sườn núi hiểm trở làm con đường kéo pháo bằng tay dài 15km khởi điểm từ cửa rừng Nà Nhạn, vượt đỉnh núi Phu Pha Sông cao 1.150m đổ xuống vực Nậm Kho Hu gặp con đường từ Điện Biên đi Lai Châu, tới cánh đồng bản Tấu, bản Nghịu ở phía Bắc đồi Độc Lập, sẽ là nơi đặt các trận địa pháo.
Tối 15-1-1954 cuộc kéo pháo bằng tay bắt đầu. Nhưng sau 7 đêm, pháo vẫn chưa tới vị trí quy định. Ta chưa lường hết trở ngại khi dùng sức người kéo những khối thép nặng trên hai tấn qua những dốc cao 30, 40 độ, có chỗ lên tới 60 độ lại bị pháo binh và máy bay địch cản trở. Thời gian nổ súng được lui lại 5 ngày. Nhưng tình hình địch mỗi ngày có nhiều thay đổi đáng kể. Các trung tâm đề kháng của địch đã được xây dựng kiên cố; hệ thống hàng rào kẽm gai và bãi mìn quanh mỗi cứ điểm được mở rộng thêm mỗi ngày, có cứ điểm rộng hơn 100m, thậm chí 200m. Ngày nào địch cũng thả dù tăng thêm quân, đã lên tới 12 tiểu đoàn bộ binh. Chúng đã có thêm nhiều xe tăng và trên 40 khẩu pháo 105mm. Hai sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm đã được cải tạo cho máy bay có thể lên xuống với 14 chiếc máy bay thường trực trên sân bay…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải trải qua nhiều ngày, đêm cân nhắc, suy nghĩ nhất là khi nghe báo cáo: Địch đã biết rõ kế hoạch đánh Điện Biên Phủ của ta. Đặc biệt đêm 23-1-1954 đồng chí Phạm Kiệt, Cục phó Cục bảo vệ đi theo dõi các đơn vị kéo pháo gọi điện về báo cáo: “Pháo của ta đều đặt trên địa hình dã chiến, rất trống trải; một số pháo vẫn chưa kéo được tới trận địa. Nếu ta đánh, địch phản kích bằng pháo binh và không quân, thậm chí xe tăng nó sục ra, ta khó tránh khỏi tổn thất…”. Đại tướng đánh giá rất cao ý kiến của đồng chí Phạm Kiệt. Ông cho rằng đây là cán bộ đầu tiên và cũng là duy nhất dám nói sự thật khó khăn…
Đêm 25-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trằn trọc cả đêm không ngủ. Ông phân tích vì sao mọi người muốn chọn phương án đánh nhanh và những khó khăn nếu ta thực hiện phương án đó đều chưa được bàn bạc kỹ và tìm cách khắc phục. Ông nhận thấy “cần phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa để nghiên cứu cách đánh khác, dù bộ đội có thắc mắc. Phải chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Ngoài công tác chuẩn bị đánh địch ở Điện Biên Phủ, cần có những hoạt động tạo nên bất ngờ mới cho địch. Trước mắt hãy điều một cánh quân sang Thượng Lào thu hút quân địch về hướng này, có thể quét sạch hành lang Điện Biên Phủ - Luông Pha Băng chúng mới lập ở lưu vực sông Nậm Hu”… (Theo Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử - Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Từ những cân nhắc, suy tính đó để đi đến cái mà hàng chục năm sau, trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”. Một quyết định mang tính lịch sử bởi nó là điểm tựa đưa đến ngày chiến thắng. Một quyết định mà bao cán bộ, chiến sĩ Điện Biên Phủ đến nay vẫn ca ngợi là “sáng suốt, nhân đức”…
Sáng sớm ngày 26-1-1954, cuộc họp Đảng uỷ mặt trận được triệu tập, để nghe và thảo luận ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng uỷ trình bày. Sau đều đi đến nhất trí kết luận: Quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ vẫn giữ vững. Nhưng để đảm bảo nguyên tắc “đánh chắc thắng” theo lời căn dặn của Bác Hồ, cần cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết ban đầu và kéo pháo ra chuẩn bị thay đổi phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Riêng Đại đoàn 308 hành quân cấp tốc sang Thượng Lào, vừa để nghi binh địch, vừa phối hợp với bộ đội bạn tiến công, truy kích, làm tan rã địch trên phòng tuyến sông Nậm Hu…
CCBVN