Thầy, cô “Trường Trỗi”
Thầy Vũ Xuân Thăng (bên trái) và trò cũ - Thiếu tướng Bùi Quang Vinh.
Theo hẹn, tôi đến nhà Thiếu tướng Bùi Quang Vinh để lấy tư liệu viết bài cho số báo tháng 11 thì không chỉ gặp Tướng Vinh mà còn có thêm ông Vũ Xuân Thăng - một thầy giáo Trường văn hoá Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (Trường Trỗi). Tôi nhận ra đây chính là anh trai của Anh hùng, liệt sĩ Vũ Xuân Thiều - người phi công đã phóng tên lửa hạ gục pháo đài bay B-52 ở cự ly quá gần nên không kịp thoát ly mà lao cả máy bay vào điểm nổ.
Khi tôi vừa đề nghị giới thiệu khái quát về trường mình, Tướng Vinh tiếp lời ngay: “Về Trường Trỗi thì để thầy Thăng giới thiệu sẽ đúng “chủ trương” và chuẩn hơn. Vì thầy về trường ngay từ đầu, còn em khi ấy mới là cậu bé 15 tuổi”. Sau câu trách nhẹ học trò: “Anh Vinh chỉ khéo nhường lời”, thầy Thăng nhỏ nhẹ vào chuyện. Giọng thầy sôi nổi dần và tỏ rõ sự tự hào nên đã kéo Tướng Vinh vào câu chuyện một cách thật tự nhiên, tình cảm và thân mật...
Năm 1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, để cán bộ trung, cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội tập trung hoàn thành nhiệm vụ hết sức nặng nề trong thời kỳ mới, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị quyết định thành lập trường nội trú mang tên: “Trường Văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi”. Trường dạy từ lớp 5 đến lớp 10; tức là học sinh có độ tuổi từ 12 đến 17. Trong 5 năm (1965-1970) tồn tại, trường đã nuôi dạy hơn 1.200 học sinh, có đến hơn 80% học sinh tốt nghiệp đã nhập ngũ. Nhiều học sinh được cử đi đào tạo chỉ huy, kỹ thuật trong và ngoài nước, sau về phục vụ và phát triển rất tốt trong quân đội cũng như các ngành khoa học kỹ thuật, kinh tế - xã hội của đất nước...
Là giáo viên vật lý của Trường văn hóa quân đội ở Lạng Sơn, đầu năm 1965, thầy Vũ Xuân Thăng được điều về Trường Trỗi và được giao làm Trợ lý thanh niên. Những kỷ niệm, tình cảm và ấn tượng về học trò Trường Trỗi như còn nguyên vẹn trong thầy.
Nhận câu hỏi của tôi về độ nghịch ngợm của những học sinh thuộc diện “con ông cốp” làm thầy cô mệt đến mức nào? Thầy Thăng cười: “Học trò thì ở đâu và thời nào mà chẳng nghịch. Nhất là khi hầu hết là “trai phố”, lại có một số là học sinh trường nội trú miền Nam được chuyển qua nên cái sự nghịch ngợm dễ “cộng hưởng” lắm. Được cái, cũng chỉ là nghịch ngợm kiểu học trò, chưa hẳn là hư. Có thời điểm, phải tham gia giải quyết nhiều vụ việc mà thầy phát ốm đấy...”.
Thầy đặc biệt nhớ và kể về trò Võ Dũng, con của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (khi đó là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định) - một trò nổi tiếng nóng nảy “thích động chân động tay”. Chưa học hết lớp 10, Võ Dũng nằng nặc xin nghỉ học, đòi ra trận chiến đấu để trả thù cho mẹ và 2 em. Các cấp cán bộ khuyên can thế nào cũng không được. Rồi Hiệu trưởng phải báo cáo lên trên và đồng ý để em trở lại miền Nam đánh giặc. Vào chiến trường, Võ Dũng cũng không chịu ở trên cơ quan mà xin bằng được về đơn vị làm lính trinh sát ở Khu 9. Ngày 21-4-1972, Võ Dũng đã rơi vào ổ phục kích và hy sinh... Sau phút bùi ngùi, thầy Thăng trầm ngâm: “Võ Dũng là học sinh rất có cá tính, bản lĩnh. Tôi nghiệm ra rằng, nhiều người như thế sau này sẽ làm nên chuyện; lập công trạng và trưởng thành”.
Thầy có một nhận xét mà tôi thấy thật tinh tế và thấm thía: “Tôi tự hào về những học trò Trường Trỗi! Các em may mắn được học tập, rèn luyện toàn diện trong một ngôi trường chuẩn mực. Hơn thế nữa, lại được giáo dục trong gia đình của một lớp cán bộ cách mạng trí tuệ, bản lĩnh, gương mẫu. Do đó, không chỉ ngày học ở trường mà cả sau này, các em đều rất chững chạc, vững vàng trong cuộc sống. Tôi theo dõi mấy chục năm qua, chưa thấy em học sinh Trường Trỗi nào sa ngã, thoái hóa. Thật đáng quý trọng!”. Thầy Thăng còn kể, hơn 30 năm qua, mỗi khi gặp mặt khóa hay cả trường, thầy trò vấn vít, cảm động lắm. Các trò không quên mà còn rất trân trọng thầy, cô.
Chiều ấy, Thiếu tướng Bùi Quang Vinh đưa tôi đến nhà cô giáo Nguyễn Thúy Lan, dạy tiếng Trung Quốc của Trường Trỗi. Cũng nguyên khung cảnh đầm ấm như khi tiếp chuyện thầy Thăng ban sáng. Thầy già, trò cũng không còn trẻ mà chuyện thật rôm rả, đằm thắm khi nhắc lại những kỷ niệm năm xưa. Cô Lan kể: “Khóa 3 của anh Bùi Vinh đây cũng là lớn rồi, còn các lớp dưới thì nhỏ lắm, mới mười hai, mười ba tuổi thôi. Thế mà đã phải xa mẹ sang tận Trung Quốc, nên các thầy cô được coi như anh chị và có lớp thì như cha mẹ ở nhà vậy. Cũng rất nghịch, nhưng được cái các em sáng dạ và rất thương yêu nhau”.
Trong bao câu chuyện cô Lan kể, tôi nhớ nhất chuyện cả trường bị dịch viêm màng não khi vừa đặt chân tới Quế Lâm, Trung Quốc, đầu năm 1967: “Các trò sốt hầm hập, nằm la liệt, nhìn thương lắm. Bộ phận y tế của Trường được nước bạn tăng cường cho bốn y, bác sĩ nhưng chăm sóc y tế cũng không xuể. Thầy cô không bị sốt đều lăn xả cứu chữa các trò...”. Nghe đến đây, tôi chợt nhớ tới kỷ niệm của ông Nguyễn Chí Nhân - một học sinh Trường Trỗi viết trong tập ký của Khóa 3 về chuyện thầy Bính, thầy Phú, thầy Tư… đầu đội mũ cối, cổ quàng tấm dù ngụy trang, mặt sạm nắng gió, quát khản cả cổ để “chỉ huy” học sinh ẩn dưới hầm hào tránh máy bay địch. Không biết sợ là gì, những bộ quân phục nhỏ cứ nhoi lên để cãi nhau đâu là F105 - Thần sấm, đâu là F4 - Con ma… Ông Nhân lấy hình ảnh “gà mẹ xòe cánh bảo vệ đàn con trước lũ diều hâu” khiến tôi thấy thật ấn tượng.
Cuối chiều, trước khi chia tay, Tướng Vinh chia sẻ: “Cậu bảo tớ kể một kỷ niệm thật sâu sắc về các thầy. Tớ biết kể gì, vì nhiều chuyện lắm. Học sinh Trường Trỗi chúng tớ đã rất may mắn vì được dìu dắt bởi một tập thể thầy cô “vừa hồng, vừa chuyên”; vừa giỏi chuyên môn lại chan chứa tình yêu thương đối với học trò nhỏ của mình… Trong số 31 liệt sĩ của Trường Trỗi có 2 thầy giáo Nguyễn Văn Phố và Nguyễn Đăng Đạo. Các thầy đã tô thắm thêm truyền thống của Trường Trỗi chúng mình. Kỷ niệm của thầy cô cũng là kỷ niệm của tụi mình. Nghe thầy cô kể rồi, cậu viết được chuyện nào thì viết nhé!”.
Vũ Quang Huy