Thất bại báo trước
Thái tử Saudi Arabia - Mohammed bin Salman chào đón Tổng thống Mỹ - Joe Biden tại Cung điện Hoàng gia Al-Salam ở Jeddah, ngày 15-7.
Tổng thống Mỹ - Joe Biden tuần qua đã có chuyến công du đầu tiên tới Trung Đông kể từ khi nhậm chức, với hai điểm dừng chân đáng chú ý là Israel và Saudi Arabia. Chuyến đi được đánh giá là một thất bại kể từ khi chưa khởi hành.
Hôm 13-7, khi chiếc Không lực 1 chở ông Biden đáp xuống Tel Aviv, các hãng thông tấn đã tranh thủ cơ hội để tường thuật trực tiếp sự kiện hiếm hoi này. Thế nhưng, những bình luận trên mạng xã hội, từ những người Mỹ ở trong nước, phần lớn mang ý nghĩa tiêu cực, trách móc ông Biden bởi ông rời Mỹ khi lạm phát tăng cao và người dân không hài lòng với cách ông xử lý các vấn đề đối nội và đối ngoại.
Chuyến công du thăm đồng minh thân cận ở Trung Đông được lên lịch trình từ lâu nhưng Thủ tướng Israel đón ông lại là Yair Lapid chứ không phải Naftali Bennett - người đã từ chức để nhường lại ghế Thủ tướng cho đại diện của đảng liên minh và chờ bầu cử Quốc hội. Trước một chính phủ mới và rồi lại một chính phủ mới nữa chưa biết do đảng nào lãnh đạo ở Israel, mọi cam kết song phương trong chuyến đi của ông Biden sẽ giảm đi tính thiết thực, thậm chí có thể chỉ là lời nói suống. Do đó, dù “Tuyên bố Jerusalem” ra ngày 14-7 với những lời lẽ hùng hồn như “Mỹ khẳng định sự ủng hộ lâu dài và nhất quán đối với giải pháp hai nhà nước và hướng tới thúc đẩy tạo điều kiện cho người dân Israel và Palestine được hưởng các biện pháp công bằng đảm bảo cho an ninh, tự do và thịnh vượng” hay Mỹ sẵn sàng “Sử dụng mọi yếu tố của sức mạnh quốc gia” để đảm bảo việc Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ chẳng có mấy giá trị.
Tuy Israel vẫn là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông nhưng lợi ích kinh tế mà Mỹ thu được về lâu về dài vẫn là từ các quốc gia nhiều tiềm năng dầu mỏ ở khu vực này. Một mặt, ông Biden sẽ tiếp nối những gì Chính quyền của Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã làm ở khu vực là thúc đẩy bình thường hoá quan hệ giữa các nước Arab với nhau và giữa Israel với các quốc gia Arab này. Mặt khác, chính hành động trên cũng nhằm thúc đẩy hơn hợp tác kinh tế giữa Mỹ với các quốc gia vùng Vịnh trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao gây ra tình trạng lạm phát lớn ở Mỹ. Nói cách khác, Mỹ cần các nước vùng Vịnh tăng sản lượng khai thác dầu mỏ để hạ nhiệt giá xăng dầu. Và đây chính là mục tiêu chính của chuyến thăm Saudi Arabia.
Nếu chuyến thăm Israel chỉ mang ý nghĩa biểu tượng cho quan hệ của Mỹ với đồng minh thì trọng tâm của toàn bộ chuyến công du lần này của ông Biden chính là Saudi Arabia. Chiếc chuyên cơ Không lực 1 đã có một chuyến bay thẳng chưa từng có tiền lệ đưa một Tổng thống Mỹ từ Israel tới Saudi Arabia, một biểu hiện sinh động trong việc thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia, bên cạnh các vấn đề quan trọng khác liên quan đến tình hình khu vực.
Tuyên bố sau chuyến thăm Saudi Arabia không có những lời lẽ đanh thép như ở Israel nhưng có thông tin Mỹ hoan nghênh quyết định tăng sản lượng khai thác dầu của nhóm OPEC+. Đây có thể coi là thành công hiếm hoi trong chuyến công du của ông Biden. Thế nhưng, nếu xem xét kỹ lưỡng thì chính việc ông Biden gặp Thái tử nước chủ nhà Mohammad bin Salman lại là quyết định đảo ngược hoàn toàn chủ trương của Tổng thống Biden hồi mới lên cầm quyền về việc cô lập ngoại giao Saudi Arabia do các cáo buộc liên quan vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Khi một chính trị gia, lại là Tổng thống của một quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, phải “quay xe” với chính tuyên bố của mình thì cần hiểu rằng nước Mỹ đang ở thế yếu như thế nào. Có thể thấy, vì lợi ích kinh tế, ông Biden sẵn sàng đánh đổi những cam kết chính trị. Những giá trị như dân chủ, nhân quyền, kể cả những cáo buộc rõ ràng liên quan tới Thái tử Mohammad bin Salman cũng sẽ được phớt lờ. Chẳng biết OPEC+ sẽ tăng sản lượng khai thác dầu tới mức nào, có đủ để làm nguôi cơn khát năng lượng toàn cầu do chính những lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt mà Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga hay không, việc ông Biden đảo ngược cam kết của mình sẽ để lại hậu quả lâu dài cho chính ông và đảng Dân chủ của ông.
Một chuyến đi mang tính nghi thức, sẵn sàng bỏ qua các cam kết chính trị để đạt được mục đích kinh tế quả là một thất bại được báo trước.
Thanh Huyền