Tháo gỡ "thẻ vàng" EC: Khai thác thủy sản mới phát triển bền vững
Theo dự kiến, từ ngày 4 đến 12-11-2019, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các nhóm khuyến nghị của EC đối với Ngành khai thác hải sản Việt Nam về khai thác IUU (khai thác trái phép, không báo cáo, không theo quy định). Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị "thẻ đỏ", tất cả sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU và một số quốc gia khác…
Thẻ vàng EC - những hậu quả và nguyên nhân
Khai thác và xuất khẩu thủy sản là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của nước ta. Thủy sản Việt Nam đã có mặt tại 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 thị trường tiêu thụ lớn là Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản với hơn 60% sản lượng xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, sau 2 năm (từ 10-2017) bị EC rút thẻ vàng do khai thác IUU, Ngành Thủy sản Việt Nam đang hứng chịu hậu quả nặng nề. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU đã bị tác động rõ rệt, chỉ còn 390 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 9 tháng năm 2019, chỉ đạt 251 triệu USD. Bị áp "thẻ vàng", 100% lô hàng hải sản Việt Nam vào thị trường EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Qua đợt thanh tra vào cuối năm này, nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị "thẻ đỏ". Khi bị áp thẻ đỏ, tất cả sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU và một số quốc gia khác… Khi ấy hậu quả sẽ hết sức nặng nề với ngành đánh bắt hải sản.
Lý do EU áp thẻ vàng với ngành Thủy sản Việt Nam là tình trạng đánh bắt trái phép thủy sản ở những vùng biển nước ngoài, không rõ nguồn gốc. Sở dĩ có tình trạng trên, cùng với do ý thức chủ quan của ngư dân, còn có những nguyên nhân do khó khăn, bất cập trong công tác quản lý. Như hạ tầng neo đậu chưa đáp ứng yêu cầu; việc nâng cấp cảng cá, hậu cần nghề cá chưa được quan tâm; việc xác nhận của các lực lượng chức năng đối với các tàu cá ra khơi đánh bắt chưa chặt chẽ, còn bị coi nhẹ; ghi chép báo cáo về hoạt động, địa điểm khai thác đạt thấp… Việt Nam có gần 133.000 tàu cá, trong đó khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ, nhưng chỉ khoảng 3.000 tàu được lắp thiết bị định vị vệ tinh. Nhưng số lượng tàu bật định vị 24/24 rất ít, khi ra khơi thường tắt định vị để giấu ngư trường. Bên cạnh đó, ngư dân chưa có thói quen ghi chép nhật ký khai thác. Đấy là chưa kể một số nguyên nhân hoặc vô tình, hoặc hữu ý khiến một số ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khiến sự việc trầm trọng thêm.
Cần nỗ lực toàn diện
Trước việc EC áp "thẻ vàng" đối với khai thác thủy sản, Việt Nam đã triển khai tương đối đồng bộ các nhóm giải pháp theo 9 khuyến nghị của EC, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Hệ thống pháp luật về thủy sản đã được hoàn thiện, đặc biệt, quy định khung xử phạt đối với các hành vi khai thác IUU được nâng cao gấp nhiều lần so với mức phạt trước đây để bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn vi phạm. Công tác tuyên truyền cho ngư dân được tiến hành rộng rãi với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, đặc biệt là Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư…
Bên cạnh đó, 28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập các Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá; qua đó, việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng hải sản cập bến phục cho việc truy xuất nguồn gốc, thu nộp nhật ký khai thác... được thực hiện quyết liệt hơn. Các địa phương đã thu hồi thiết bị của tàu cá dưới 24 m để lắp đặt cho tàu cá có chiều dài trên 24 m, tàu lưới kéo và tàu câu cá ngừ đại dương. Chúng ta đã trang bị hàng vạn phương tiện liên lạc, định vị cho các tàu cá, sửa chữa, trang bị mới hệ thống thông tin liên lạc, cải tạo nhiều cảng cá… Tình trạng tàu cá vi phạm tại các quốc đảo Thái Bình Dương không còn. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít trường hợp vi phạm tại các vùng biển chồng lấn với các nước Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a; cùng đó là nhu cầu đầu tư quá lớn chưa đáp ứng được và quỹ thời gian hạn hẹp khiến nhiều địa phương đang “vắt chân lên cổ” chạy đua với thời gian khắc phục thẻ vàng.
Ngư dân và ngành chức năng, các cấp chính quyền cùng vào cuộc “giải” bài toán phức tạp “Thẻ vàng EC”, trong đó có vai trò cực kỳ quan trọng của ngư dân khi chủ động thực hiện khai thác thủy sản hợp pháp. Có như vậy, Ngành khai thác và xuất khẩu thủy sản Việt Nam mới phát triển bền vững.
Quốc Huy