Từ TP. Hà Giang đi Thanh Thủy, quốc lộ số 2 được rải nhựa phẳng lỳ, rộng thênh thang, uốn lượn theo những quả đồi thấp phủ màu xanh của cây lá đại ngàn, đoạn chạy sát dòng sông Lô. Với chúng tôi cái vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình này tăng lên gấp bội, vì những năm 1984 khi chiến tranh biên giới diễn ra, con đường này đã hẹp lại vô cùng nguy hiểm do pháo lớn các loại của đối phương thường xuyên bắn phá, cày xới, nhiều quả rơi trúng mặt đường để lại rất nhiều “ổ trâu”. “ổ bò”. Bộ đội chỉ được đi ban đêm, ô tô không được bật đèn, lái xe vừa lái vừa thò đầu ra ngoài cánh cửa để nhìn đường. Nhiều đêm ngồi trên xe vào mặt trận, thỉnh thoảng lại xóc tung chúng tôi lên khỏi hàng ghế gỗ.
Làng Pinh làm điểm ghé thăm đầu tiên. Đó là một bản nhỏ nằm kề vách một dãy núi đá cao, phía dưới cửa khẩu Thanh Thuỷ. Làng Pinh được biết nhiều người đến từ những năm 1984-1988 khi chiến tranh biên giới diễn ra. Do địa hình hiểm trở, vừa an toàn, vừa là điểm cuối cùng của các phương tiện vận chuyển cơ giới, nên Làng Pinh được chọn làm hậu cứ của sư đoàn. Tuy diện tích chỉ vài trăm mét vuông dọc theo sườn núi đá nhưng được bố trí rất nhiều bộ phận công tác như Sở chỉ huy, kho hậu cần, trạm phẫu, trạm dừng chân đón quân ra, quân vào. Từ đây bộ đội ta có thể xuất phát đi các hướng của mặt trận, nhất là hướng Thanh Hương, Nậm Ngặt, các điểm cao 1509, 772, 468…
Nay bản có khoảng 20 ngôi nhà, mái chủ yếu lợp tấm xi măng. Ít người nhưng cũng có đầy đủ hàng hoá bày bán. Chúng tôi xuống xe, một chị bán hàng thân thiện mời chào: Các bác tới thăm bản em, vào cửa hàng em uống nước. Tôi chỉ cho ông Tuyến địa điểm trước đây ông vẫn làm việc, dưới một vách đá cao ngất ngưởng. Tiến về phía vách núi, ông Tuyến đứng lặng im như để hồi tưởng về quá khứ. Lúc sau, ông kéo tôi ra một ruộng lúa, đó là địa điểm khâm liệm các cán bộ, chiến sĩ hi sinh 30 năm về trước. Ngày ấy, ông vẫn thường tới đây để cùng kiểm tra công tác tử sĩ và chỉ đạo việc ghi danh những người đã mất. Ông bồi hồi kể về trận tiến công địch tại điểm cao 772 của Trung đoàn 876, đã có hơn 500 cán bộ, chiến sĩ hi sinh, trong đó số thi thể mang về đây khâm liệm chỉ được hơn 400 đồng chí. Chúng tôi đứng lặng, suối làng Pinh vẫn róc rách chảy; những luồng gió mát và dịu êm ùa về, quấn quýt trên những tán cây. Trước khi rời làng Pinh, ông Hùng chỉ cho tôi con đường lên đỉnh Coóc Nghè, nơi có trận địa pháo bắn thẳng của đơn vị anh, mà mỗi khi lên trận địa, các anh phải leo dốc vừa cao, vừa dài, vừa thở lại phải “vểnh” tai lên để nghe và tránh đạn pháo của đối phương. Anh Hùng nhớ lại, hôm mở màn chiến dịch phản công, điều chỉnh loạt đạn đầu tiên, cả khẩu đội 37 ly của anh ai cũng run, không phải sợ hi sinh mà chỉ sợ bắn vào đội hình tiến công của ta. Bắn xong loạt đạn đầu, cả khẩu đội lại như nín thở, chờ kết quả báo về. Khi có lệnh bắn cấp tập mới biết là đã bắn trúng đích.
Con đường bê tông nhựa dẫn chúng tôi lên cửa khẩu. Nơi này trước đây, địa hình đồi núi nhấp nhô, mìn các cỡ được gài đặt đan xen. Các loại súng to nhỏ của ta và đối phương đều chĩa vào đây, luôn thường trực sẵn sàng nhả đạn và nhiều người lính của cả hai bên đã thương vong. Bây giờ, khu vực biên giới mang cột mốc 261 này là những toà nhà cao ngang núi, sừng sững giữa non ngàn. Một toà nhà ở giữa mang hàng chữ: “Trạm kiểm soát liên ngành cửa khẩu Thanh Thủy”, phía trước là một khu đất rộng thênh thang, được rải bê tông nhựa, tiếp đến là thượng nguồn sông Lô vẫn ào ạt chảy. Nhìn về phía Trung Quốc thấy hai cái cổng lớn; người dân hai bên tấp nập qua lại cửa khẩu. Được biết, trong 10 tháng năm 2013, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy có giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên 245 triệu USD; góp phần đáng kể cho thu ngân sách của tỉnh Hà Giang. Trong tương lai, Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy-Hà Giang được thành lập với diện tích 28.781ha. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông-lâm nghiệp… sẽ mở ra một thời kỳ mới nơi chiến trường xưa.
Bài và ảnh:
Nguyễn Đức Lưỡng