Thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972: Hội tri ân, nghĩa tình đồng đội (24/07/2013)

Nơi đây, được xem là chiến trường khốc liệt năm xưa, nơi diễn ra cuộc đấu tranh sinh tử giữa ta và địch, nơi kẻ thù đổ vào đây bao nhiêu tấn bom đạn, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử, ném xuống hai thành phố của Nhật Bản năm 1945; hòng bẻ gãy ý chí và lòng kiên cường của quân, dân ta. Thế nhưng, đúng như Tổng bí thư Lê Duẩn đã từng phát biểu, tôn vinh về cuộc chiến đấu này: “Chúng ta đã chịu được không phải vì chúng ta là gang thép; vì gang thép cũng phải chảy với bom đạn địch; mà vì chúng ta là những con người thực sự, con người Việt Nam, với truyền thống hàng nghìn năm, đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.

Các cán bộ, chiến sĩ, hầu hết còn rất trẻ, trong đó có nhiều sinh viên các trường đại học “xếp bút nghiên” lên đường, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh đã anh dũng bám trụ, chiến đấu, giành giật từng tấc đất trong Thành cổ, rộng chưa đầy 3 km2. Máu của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã đổ xuống, tô thắm cho trang sử vẻ vang của dân tộc; để xanh ngời cỏ non Thành cổ...

Các thế hệ hôm nay và mai sau, vẫn phải tiếp tục tìm hiểu, ghi lại những hồi ức, những kỷ niệm không chỉ là dấu ấn của quá khứ chiến tranh khốc liệt, mà qua đó, còn cảm nhận được sự kỳ diệu của chiến thắng, sự kỳ diêu của chính nghĩa. Hơn nữa, những việc làm này còn góp phần thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống lịch sử cách mạng đối với thế hệ trẻ, đồng thời, là niềm tự hào của quân và dân ta, đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị trong chiến dịch 81 ngày đêm, mùa hè rực lửa năm 1972.

Với ý nghĩa rất sâu sắc ấy, căn cứ Nghị định 45 của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định, cho phép thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đây là một tổ chức xã hội, tuân thủ quy định của pháp luật; chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ LĐTBXH, cùng các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực Hội hoạt động.

Trong hai ngày 19 và 20-7-2013, tại Thủ đô Hà Nội, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 đã tổ chức Đại hội toàn quốc, nhiệm kỳ 2013-2018. Trước khi khai mạc đại hội, các đại biểu đã tổ chức báo công trước Lăng và vào viếng Bác, đồng thời, thăm nơi ở của Người. Đồng chí Lê Xuân Tánh, đại diện Đoàn đọc lời báo công, có đoạn: “Kính thưa Bác, 41 năm về trước, các thế hệ chúng cháu, với tinh thần tuổi trẻ ở chiến trường, được tôi luyện trong lò lửa của chiến tranh nên chỉ biết hi sinh, biết chiến đấu và chiến thắng. Hàng vạn đồng đội của chúng cháu ngã xuống trên chiến trường và ở Thành cổ Quảng Trị, đã trở thành bất tử; trở thành tên đất nước. Hàng chục vạn người trở về đều mang thương tích và bệnh tật, nhưng ai nấy đều tự hào, xin báo cáo với Bác: Chúng cháu luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết; sống cuộc sống đời thường thật giản dị, vô tư, không bao giờ đòi hỏi thiệt hơn; tích cực thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…

Ngày 20-7-2013, Đại hội thành lập Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, trong toàn quốc đã chính thức khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tới dự và chỉ đạo đại hội có đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Đinh Thế Huynh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, là đồng chí, đồng đội, từng chung một chiến hào với các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang gửi lẵng hoa chúc mừng. Ngoài ra còn có cán bộ lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ LĐTBXH, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, cùng đại diện các ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư. Đặc biệt, Đại hội mời 400 đại biểu là cán bộ, chiến sĩ, anh hùng, dũng sĩ từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị.

Đồng chí Lê Xuân Tánh, đại diện Chủ tịch Đoàn, đọc diễn văn khai mạc, nêu bật ý nghĩa, mục đích thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, là tổ chức xã hội, tập hợp hội viên là cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng vũ trang và những người từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đang sống và làm việc trên địa bàn cả nước. Qua đó, Hội động viên đồng đội, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, tham gia hoạt động tình nghĩa, tri ân liệt sĩ; khơi dậy truyền thống cách mạng, nâng cao tinh thần yêu nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội đã thông qua điều lệ gồm 8 chương, 29 điều, với sự nhất trí cao và báo cáo chương trình hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2013-2018.

Hiện nay, hàng chục vạn chiến sĩ Thành cổ trở về các địa phương sinh sống; có gần 95% là thương binh, bệnh binh. Nhiều người, cuộc sống còn khó khăn. Do vậy, phương hướng, nhiệm vụ của Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, nhiệm kỳ 2013-2018 tập trung giải quyết các việc sau: Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho hội viên về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, về tình hình nhiệm vụ mới, nhằm củng cố niềm tin với Đảng, với chế độ XHCN; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tuyên truyền, vận động các chiến sĩ Thành cổ gia nhập Hội; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Vận động các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước, với tấm lòng vàng, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, cấp sổ tiết kiệm, giúp đỡ xóa đói giảm nghèo cho các hội viên. Đặc biệt, hội viên kêu gọi cả nước, chung tay góp sức, xây dựng khu tưởng niệm, thờ cúng các liệt sĩ, hi sinh trong 81 ngày đêm; khu lưu trú ăn, nghỉ cho các chiến sĩ trở về thăm lại chiến trường xưa. Tổ chức các phong trào thi đua, động viên các hội viên gương mẫu, làm nhiều việc tốt có hiệu quả, góp phần xây dựng địa phương giàu, mạnh.

Đại hội vui mừng được đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu ý kiến chỉ đạo. Đồng chí ca ngợi chiến thắng oanh liệt của quân dân ta trong chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và hoan nghênh việc làm có ý nghĩa rất tích cực là thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu Hội thực hiện tốt một số nội dung công việc. Trước hết, cần tuyên truyền cho các hội viên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, truyền thống cách mạng của nhân dân, quân đội ta; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; giáo dục thế hệ trẻ, tiếp nối truyền thống của cha ông; đẩy mạnh các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đồng chí đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể, MTTQ thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giúp đỡ Hội Chiến sĩ Thành cổ năm 1972, hoạt động có hiệu quả về mọi mặt, trong nhiệm kỳ 2013-2018.

Đại hội thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đã bầu BCH gồm 59 đồng chí và bầu Ban kiểm tra, bầu Chủ tịch và các Phó chủ tịch. Đồng chí Lê Xuân Tánh được bầu làm Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, nhiệm kỳ 2013-2018.

Chi Phan