Thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Đồng chí Phùng Văn Nhạ, Bộ trưởng Bộ GDĐT và đồng chí Thuận Hữu, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại Lễ công bố
Tại buổi lễ, sau khi đồng chí Phùng Văn Nhạ trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho đồng chí Thuận Hữu, thay mặt BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hồ Quang Lợi đã phát biểu, nêu rõ: “Cách đây 152 năm, vào giữa tháng Tư năm 1865, “Gia Định báo”- tờ báo giấy đầu tiên in bằng chữ quốc ngữ đã ra mắt công chúng. 60 năm sau, vào ngày 21-6-1925, Báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã xuất bản số đầu tiên và khai sinh nền báo chí cách mạng. Ngày từ những năm đầu xuất hiện, báo chí Việt Nam đã sớm có một vị thế đặc biệt trong đời sống tinh thần của người dân khắp ba miền Bắc- Trung- Nam, cũng như đã tỏ rõ vao trò quan trọng của mình trong lịch sử dân tộc. Báo chí Việt Nam, đặc biệt báo chí cách mạng, đã trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén đấu tranh chống sự nô dịch của đế quốc, thực dân, góp phần trực tiếp và to lớn trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc; làm tốt vai trò người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể, tổ chức tập thể và phản biện xã hội, thúc đẩy dân chủ, tiến bộ xã hội…Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời khi đã hội đủ các điều kiện theo quy định. Và đó là một quá trình lâu dài, rất công phu. Tính từ ngày 21-8-2014, khi Đề án Bảo tàng Báo chí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt đến ngày 28-7-2017, khi Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam, đã gần trọn 3 năm triển khai thực hiện Đề án và thúc đẩy tiến trình thành lập Bảo tàng. Và ngày hôm nay, ý tưởng về một Bảo tàng Báo chí Việt Nam được nung nấu và chuẩn bị sau nhiều nhiệm kỳ Ban CH Hội Nhà báo Việt Nam đã trở thành hiện thực…Bảo tàng Báo chí Việt Nam khi ra đời phải có trách nhiệm sưu tầm, nghiên cứu, tập hợp và giới thiệu trong các nội dung trưng bày của mình những hiện vật, tư liệu báo chí tiêu biểu, đại diện cho một nền báo chí anh hùng, nhân văn và tiến bộ. Bảo tàng Báo chí Việt Nam phải chuyển tải được một cách sinh động, hấp dẫn hiệu quả những thông điệp thiêng liêng từ quá khứ, là lời kêu gọi, nhắc nhớ các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau tiếp bước các thế hệ cha anh xây đắp truyền thống vẻ vang của báo chí nước nhà…”.
Tại buổi lễ, một số nhà báo, thân nhân gia đình nhà báo mang nhiều hiện vật, tư liệu quý hiến tặng cho Bảo tàng. Ngoài các hiện vật giấy và chữ viết, các số báo và tập lưu báo gốc quý xuất bản từ 1945 đến trước 1975 như hàng chục tờ báo Trường Sơn của cố NB, TBT Lục Văn Thao để lại; hoặc các tập lưu báo xuất bản trước và trong thời kỳ đổi mới, còn có một số hiện vật có giá trị lịch sử như chiếc máy in sản xuất năm 1966 do Công ty CP in Việt Lập (đơn vị xuất bản báo Việt Nam Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập) sử dụng từ năm 1966 từ Cao Bằng mang tặng. Cũng tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trưng bày và giới thiệu 152 tập lưu báo, tạp chí bản gốc- kỷ niệm 152 năm ra đời và phát triển của báo chí Quốc ngữ (1865- 2017) và 2 tập lưu báo cắt dán Gia Định báo và Hoàng Sa – Trường Sa (gồm 1.200 bài báo cắt dán) do nhà báo, nhà sưu tầm Trần Thanh Phương (TP. HCM hiến tặng).
Tin và ảnh: QUỐC HUY