Thanh Hóa: Trưởng ban Quản lý di tích và Danh thẳng tỉnh “xẻ thịt” di tích ?
** “ Ăn” di tích**
Ban QLDTDT được thành lập năm 2003, có nhiệm vụ lập hồ sơ khoa học để xét duyệt di tích cấp tỉnh và thực hiện trùng tu, chống xuống cấp của các di tích trên địa bàn tỉnh. Ngày 17-3-2010, sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa ban hành văn bản số 473 và gửi Ban QLDTDT nêu rõ: Căn cứ công văn số 1783/VH-TT về việc cấp kinh phí làm hồ sơ xếp hạng di tích của bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) ngày 16-6-1997, tại mục 2 nêu rõ: Đối với những di tích được thỏa thuận từ năm 1997 trở về sau, Bộ Văn hóa- Thông tin đề nghị các Sở trích kinh phí sự nghiệp cho việc làm hồ sơ di tích, không thu lệ phí xây dựng hồ sơ di tích của dân… nhằm tránh những thủ tục phiền hà…
Nhân dân, kể cả cán bộ nhân viên Ban Quản lý di tích và Danh thắng tỉnh (BQLDT) Thanh Hóa đang rất bức xúc trước cách “xẻ thịt” di tích của ông Trưởng ban Phạm Văn Tuấn…Mặc dù công văn 473 của sở nêu rõ ràng như vậy nhưng trong quá trình làm hồ sơ khoa học xét duyệt một số di tích trên địa bản tỉnh; ông Phạm Văn Tuấn – Trưởng ban QLDT vẫn ngang nhiên thu tiền, bất chấp qui định của ngành. Cụ thể là làm hồ sơ di tích Nhà thờ họ Vũ ở xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, ông Tuấn đã ký phiếu thu (ngày 31-8-2011) của ông Vũ Xuân Linh người dòng họ Vũ với số tiền là 5,6 triệu đồng. Ngày 22-5-2009, thu của UBND xã Vĩnh An (huyện Vĩnh Lộc) 13.600 ngàn đồng (tiền làm hồ sơ di tích hang động Kim Sơn), ngày 1.4.2010 thu hơn 4 triệu đồng làm hồ sơ đình Giáp Bắc (xã Đông Hương, TP Thanh Hóa)… Trao đổi với PV, ông Viên Đình Lưu – Trưởng phòng Quản lý di tích – Sở VHTTDL Thanh Hóa nói: Đây là một việc đáng tiếc, chúng tôi sẽ báo cáo sự việc lên Giám đốc sở để thanh tra và đề xuất xử lý nghiêm theo qui định.
Cũng theo ông Lưu “Việc xét duyệt di tích kinh phí làm hồ sơ thì sở VHTTDL tỉnh cũng đã qui định rất rõ trong văn bản 473 (do Phó giám đốc Nguyễn Hữu Nhẫn ký năm 2010). Cho đến nay, sở VHTTDL tỉnh vẫn chưa có bất cứ một văn bản nào thay thế văn bản 473. Theo qui định hiện nay, chi phí cho mỗi bộ hồ sơ khoa học xét duyệt di tích cấp tỉnh là 10 triệu đồng, còn cấp quốc gia là 15 triệu đồng, tiền này lấy từ tiền ngân sách”
Trao đổi với chúng tôi, ông Tuấn trình bày: “Sở dĩ tôi thu tiền làm hồ sơ xét duyệt di tích là do kinh phi cho việc lập hồ sơ rất eo hẹp. Số tiền mà Sở chi cho thực hiện rất ít mà phải chi phí cho nhiều muc, nhiều khoản như tiền dịch thuật sắc phong, dịch bia, tiền viết hồ sơ”. Theo ông Tuấn trước khi thực hiện thu tiền, ngày 31-3-2011 ban cũng đã có văn bản số 50 xin ý kiến Sở về việc lập hồ sơ xếp hạng di tích bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và được Sở đồng ý. Nhưng trên thực tế sở VHTTDL đã có văn bản số 497 ngày 5-4-2011 trả lời ban QLDTDT và yêu cầu ban phải căn cứ vào tình hình thực tế ở các địa phương có nhu cầu cần nhanh chóng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, ký hợp đồng với Ban, đảm bảo yêu cầu của pháp luật và theo đúng tinh thần hướng dẫn chỉ đạo tại công văn số 473 ngày 17-3-2010.
“Mượn thiết kế” để làm tiền?
Ngày 7-10- 2011, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 3243 phê duyệt kế hoạch đấu thầu Dự án:Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa Nữ tướng Lê Thị Hoa và danh tướng Trịnh Minh (Thôn Ngũ Kiện, xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn) với tổng chi phí 56,760 tỉ đồng; trong đó tư vấn thiết kế bản vẽ thi công và dự toán hạng mục: Lăng mộ, Tiền đường, Phương đình, các công trình phụ trợ… là 1,256 tỉ đồng. Theo ông Mai Thế Ngạn (nguyên thủ từ đền thờ Danh tướng Lê Thị Hoa): Sau khi có kế hoạch tu bổ di tích, Hội người cao tuổi và người dân trong làng đã nhờ con cháu lập một bản thiết kế dự toán… Sau đấy ông Tuấn xuống trình bày với ông Ngạn rằng: Nếu để cho Công ty của ông làm thiết kế thì ông sẽ “lại quả” cho các cụ số tiền là 130 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay giai đoạn 1 của việc trùng tu đã xong từ lâu nhưng số tiền 130 triệu cũng trôi theo lời hứa hão của ông Tuấn…. Giải trình về việc “mượn thiết kế”, ông Tuấn cho rằng: “Các cụ nói là không có cơ sở; bản thiết kế của các cụ không đủ điều kiện để chúng tôi phê duyệt nên tôi đề nghị làm lại và giới thiệu một công ty chuyên thiết kế. Sau đó, Công ty đó làm việc thẳng với Chủ đầu tư là huyện Nga Sơn. Thậm chí, công ty đó còn không gặp lại tôi”. Còn ông Ngạn thì lại khẳng định: “ông Tuấn hứa sẽ cắt lại 30% thù lao thiết kế và khi dự án đi vào thi công, các cụ trong hội người cao tuổi phải bỏ công ra coi vật liệu…nhưng cũng không được nổi mấy đồng uống nước”…
Rước “thần lạ” về làng?
Không chỉ xẻo thịt các di tích mà BQLDT tỉnh Thanh Hóa còn “đẻ” thêm di tích để xây dựng mới khiến người dân bức xúc. Ông Viên Đình Xương, 86 tuổi, người thôn Yên Nam, xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương cho biết; dân làng Yên Nam từ nhiều đời nay chỉ có nghề thờ phụng Đông Hải Đại Vương, Đông Giang Đại Vương và Thành Hoàng Làng, nhưng bỗng dưng mấy năm gần đây BQLDT lại rước một ông thần lạ ở đâu về xây cất một ngôi đền để thờ tự ngay giữa làng Yên Nam (gọi là đền Lê Nhân Tế).
Được biết, Lê Nhân Tế là người của dòng họ Lê nhưng ông không phải sinh ra hay để lại bất cứ di tích gì ở làng Yên Nam mà trong các tài liệu do BQLDT Thanh Hóa cung cấp thì Hoàng giấp Lê Nhân Tế đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ, xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502), người xã Đại Nhuệ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa (nay là thôn Đông Nhuệ, xã Hoàng Thắng, Hoằng Hóa). Từ những việc làm khuất tất của BQLDT Thanh Hóa, mà trực tiếp là ông trưởng ban Phạm Văn Tuấn đã khiến dư luận và nhân dân trong tỉnh bức xúc, có hay không những sai phạm ở trên lãnh đạo và các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa biết nhưng vẫn làm ngơ?
** Thanh Nghĩa**