Thành công nhờ gần dân

Năm 2017, huyện Đầm Hà được giao 258 con bò giống sinh sản. Huyện cử cán bộ trực tiếp xuống họp với dân ở ba xã Quảng An, Quảng Lợi và Quảng Lâm, cùng dân lựa chọn, bình xét các hộ được nhận hỗ trợ bò giống của huyện. Sau khi bò “về” với dân, lại tư vấn, hỗ trợ cho người dân cách chăm sóc, phòng bệnh cho bò.. Đến nay, người dân ở ba xã được trao bò giống đang thực hiện tốt quy trình chăn nuôi tại nhà, bảo đảm nguồn thức ăn và ứng phó tốt với biến đổi thời tiết cho nên đàn bò phát triển tốt.
Chị Chíu Sám Múi (bên phải) không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn giúp nhiều người làm kinh tế vươn lên thoát nghèo.*
*
Một cách làm khác là lãnh đạo huyện giao cho các tổ chức chính trị - xã hội tìm hiểu, đề xuất danh sách rồi đứng ra tín chấp với các ngân hàng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất. Đồng thời, giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay để người dân học tập.

Gia đình chị Chíu Sám Múi, dân tộc Dao ở bản Lý Sáy Chảy, xã Quảng Lâm. Nhờ có Chi hội Phụ nữ bản đứng ra tín chấp, chị Múi vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH cộng với 20 triệu đồng tự có, đầu tư mở rộng chăn nuôi, trồng cây ăn quả; đồng thời làm dịch vụ thu mua quế của người dân trong bản. Cần cù, chịu khó, mỗi năm gia đình chị Múi thu nhập gần 100 triệu đồng.

Bộ mặt nông thôn của huyện Đầm Hà có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Huyện chỉ còn gần 580 hộ nghèo, đáng chú ý, hai xã Quảng An, Quảng Lợi và bảy thôn đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà - Trần Việt Dũng khái quát: Đó là nhờ cán bộ sát dân, có cách làm phù hợp. Đây là cơ sở để thời gian tới, Đầm Hà tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM, tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, đặc biệt hộ nghèo là đồng bào DTTS ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn...

Quang Thọ