Xô-phi-a Lô-ren trong phim “Hôn nhân kiểu Italia” (1965).
Xô-phi-a Lô-ren không hẳn đã có một cuộc đời phẳng lặng êm đềm. Là con ngoài giá thú, Xô-phi-a sinh ra và lớn lên trong nghèo khó ở một thị trấn biển gần thành phố Naples, Italia. Ngày ấy Xô-phi-a là một cô bé nhút nhát, gầy gò, sống xa lánh mọi người và bị đặt cho biệt danh “que củi”. “Có lẽ vì vậy mà chỉ cần hồi tưởng lại quá khứ là tôi có thể diễn xuất dễ dàng các nhân vật có cuộc đời đau khổ”.

Bất chấp khó khăn thiếu thốn, vẻ đẹp vẫn cứ âm thầm lớn lên trong cô bé lọ lem. Đến năm 15 tuổi thì Xô-phi-a trở thành một bông hoa rực rỡ. Một điều may mắn cho Xô-phi-a là cô lọt vào đôi mắt tinh đời của Các-lô Pôn-ti, đạo diễn, người thầy và về sau là người bạn đời của bà.

Nhiều năm sau, ở tuổi xế chiều và qua bao năm tháng, Pôn-ti vẫn bồi hồi khi kể lại lần đầu nhìn thấy Xô-phi-a: “Tôi sững sờ trước một vẻ đẹp kinh điển và quý phái của Xô-phi-a, ấn tượng thật là sâu sắc”.

Về phần mình, Lô-ren cũng bị chinh phục bởi tính hào hoa, tinh tế và sự chu tất của Các-lô, người lúc ấy đã có vợ và hơn cô đến 20 tuổi. Sự lựa chọn của Lô-ren hoá ra là đúng, còn quyết tâm của bà giành giật Các-lô từ tay người vợ “đương kim” của ông đã đem lại cho bà hạnh phúc - thứ hạnh phúc đời thường mà nhiều ngôi sao nghệ thuật đỏng đảnh phải ganh tị.

“Tôi cần một người đàn ông mà đồng thời là người cha, người chồng, người tình và người dẫn dắt, và Các-lô hội đủ cả 4 tiêu chuẩn đó”, Lô-ren tự hào tuyên bố.

Từ đó, tên tuổi của Lô-ren bắt đầu toả sáng đầu tiên ở Italia và sau đó là Hollywood. Tinh tế như Taylor, nhục cảm như Monroe và dễ gần như Bardott - đó là lời nhận xét và đánh giá của những người sành điện ảnh về Lô-ren.

Danh hiệu “Nữ hoàng điện ảnh” hoàn toàn tương xứng với tài năng của Lô-ren cũng như sự ngưỡng mộ mà người xem dành cho bà. Nền điện ảnh thế giới đã trở nên giàu hơn bởi đóng góp của Xô-phi-a Lô-ren với các bộ phim vang bóng muôn thời như “Ngày hôm qua”, “Hôm nay và ngày mai”, “Hôn nhân kiểu Italia” và đặc biệt là “Hai người đàn bà” - bộ phim đã đem lại cho bà giải Oscar, giải đầu tiên và duy nhất dành cho một nữ diễn viên nói tiếng nước ngoài.

Cho đến năm 1995, vào tuổi 61, Lô-ren vẫn rất thành công với bộ phim “Ông già thô lỗ”. Một năm sau, Lô-ren giã từ điện ảnh với bộ phim “Về quê mẹ” đóng chung với Naomi Campbell. Có thể xem đây là một kỉ lục về tuổi thọ của một cuộc đời nghệ thuật.

Đời tư của Xô-phi-a Lô-ren cũng gợi nên sự thèm muốn cho bao đồng nghiệp, những người tuy thành danh trong sự nghiệp nhưng lại “thích đùa” với chuyện gia đình. Các-lô Pôn-ti không được luật pháp Italia cho phép li dị với người vợ trước, vì vậy ông phải tổ chức lễ cưới Lô-ren ở Mexico. Đây là một đám cưới độc đáo bởi thay vì cô dâu chú rể, người có mặt làm mọi thủ tục lại là một luật sư uỷ quyền. Sau đám cưới, hai vợ chồng không thể quay về Italia trong hai năm đầu để tránh cho Các-lô bị truy cứu về tội song hôn. Mãi đến năm 1965, sau khi Lô-ren và Pôn-ti nhập quốc tịch Pháp thì Các-lô mới được giải thoát khỏi bà vợ trước nhờ quyết định li hôn của Chính phủ Pháp, hai người chính thức làm lễ thành hôn tại một nhà thờ gần Paris.

Năm 1966 và 1968, Xô-phi-a lần lượt sinh cho Các-lô hai cậu con trai. Kể từ đây, bà hầu như rất ít hoạt động nghệ thuật, gia đình trở thành ưu tiên hàng đầu. Lui về nội trợ, Lô-ren đã kịp viết hai cuốn sách dạy nấu ăn và cuốn tự truyện “Tình yêu và cuộc sống”, thành lập hãng nước hoa “Sophia” và kính mắt thời trang, mang lại cho bà tiếng tăm và tiền bạc không kém gì những bộ phim đắt khách năm xưa. Bà cũng từng là Đại sứ thiện chí của Liên Hợp quốc.

Cho đến khi trở thành một bà lão, Xô-phi-a vẫn kiều diễm trong bộ đồ nội trợ. Đúng như một nhà báo đã nhận xét: Xô-phi-a Lô-ren xứng đáng được khắc vào những thỏi socola để ai cũng có thể nhai ngấu nghiến và thưởng thức.

Đăng Song