Thành công bước đầu cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (11/01/2012)

Kết quả bước đầu năm qua cho thấy 33 Sở Công thương các tỉnh, thành phố đã tổ chức 156 đợt chuyển hàng về phục vụ cho nông thôn với sự tham gia của 1.627 lượt doanh nghiệp, thu hút 655.179 lượt người dân địa phương tới mua sắm hàng hóa, mang lại doanh thu trên 57 tỷ đồng; 35 Sở Công thương tổ chức 32 đợt khuyến mại thu hút 3.649 lượt doanh nghiệp tham gia với tổng giá trị khuyến mại hơn 100 tỷ đồng. Bộ Công thương chỉ đạo Sở Công thương 43 tỉnh, thành phố tổ chức 128 hội chợ triển lãm thu hút 11.026 lượt doanh nghiệp tham gia với doanh thu trên 1.495 tỷ đồng; bên cạnh đó, các sở tự tổ chức 373 hội chợ thu hút 21.535 doanh nghiệp tham gia.

Các tập đoàn, tổng công ty đã chủ động mở rộng thị trường, đưa hàng Việt Nam về với nông dân và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp với trên 1.000 chuyến hàng với trên 3.454 điểm bán hàng. Điển hình là Tập đoàn dệt may Việt Nam, Tổng công ty thương mại Sài Gòn, Tổng công ty thương mại Hà Nội thông qua hệ thống bán lẻ, cửa hàng tiện ích, và chuyến hàng bình ổn giá… đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Ban chỉ đạo chương trình của Bộ Công thương xây dựng và thực hiện các đề án khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu như hỗ trợ 1.794 triệu đồng tổ chức 70 lớp đào tạo gần 3.000 học viên là chủ cơ sở công nghiệp nông thôn, hợp tác xă, hộ kinh doanh cá thể thuộc các doanh nghiệp vừa và nhỏ về nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng phát triển thị trường, chăm sóc và nuôi dưỡng mối quan hệ với khách hàng, xây dựng và phát triển thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp; 12 tỷ đồng cho 91 cơ sở nông thôn xây dựng mô hình kỹ thuật sản xuất các sản phẩm mới thông qua áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại là động lực hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường; 2,32 tỷ đồng cho hơn 1.000 cơ sở công nghiệp ở nông thôn tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm, đặc biệt hỗ trợ 7,47 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia; 450 gian hàng của 250 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ tại 3 vùng miền của cả nước. Hỗ trợ tập huấn cho 252 chủ nhiệm hợp tác xã thương mại, gần 1.000 cán bộ quản lý chợ và trên 10.000 hộ kinh doanh khác.

Thông qua thực hiện cuộc vận động đã tăng cường sự liên kết sử dụng hàng hóa dịch vụ giữa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty trong và ngoài ngành công thương, điển hình là tập đoàn dầu khí, than khoáng sản trong liên kết phục vụ sản xuất xi măng và các nhà máy nhiệt điện… làm lợi trên 26 tỷ đồng.

Đi đôi với các giải pháp trên, lực lượng quản lý thị trường đã liên tục triển khai công tác phòng chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại… đã kiểm tra 156.182 vụ, xử lý và thu về cho ngân sách 256 tỷ đồng, đồng thời giữ vững trật tự kinh doanh thị trường nội địa trên địa bàn cả nước.

Qua thống kê khảo sát ban đầu, có tới 59% số người tiêu dùng “tự xác định ưu tiên mua hàng Việt Nam sản xuất trong tiêu dùng”; 38% số người tiêu dùng “khuyên người thân mua hàng Việt Nam” và 36% số người tiêu dùng có thói quen sử dụng hàng có xuất xứ nước ngoài nay đã dừng mua hoặc mua ít hơn, thay bằng hàng hóa Việt Nam sản xuất. Nhiều đơn vị trong ngành chủ động tìm nguyên liệu phụ kiện, vật tư phục vụ sản xuất là hàng Việt Nam thay cho hàng nhập ngoại trước đây; tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm được nâng lên, điển hình là Công ty TNHH một thành viên động cơ và máy nông nghiệp miền Nam đã nội địa hóa trong sản xuất máy phát điện sử dụng xăng dầu, máy bơm nước, máy gặt đập liên hợp… làm vừa lòng khách hàng, chiếm tỷ lệ nội địa hóa tới 96% được người tiêu dùng nông thôn chấp thuận chiếm 87% thị phần nông thôn và 25% thị phần cả nước...

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân Việt Nam hưởng ứng trong năm 2012, đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần định kỳ có chuyên mục, chuyên trang, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền để mọi người dân cảm nhận, chia sẻ và ủng hộ tiêu dùng hàng Việt.

Nhà nước cần tiếp tục có nguồn ngân sách thích hợp hỗ trợ cho hoạt động của các đơn vị doanh nghiệp về nâng cao năng lực cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị phần cho sản phẩm hàng Việt trên thị trường trong và ngoài nước.

Định kỳ thời gian, Ban chỉ đạo T.Ư của Bộ Công thương kiểm tra đánh giá sơ, tổng kết, biểu dương và nhân điển hình tiên tiến, khen thưởng kịp thời cá nhân và tổ chức tiêu biểu trong hưởng ứng cuộc vận động này.

Ngô Xuân Thạnh - Phó chủ tịch Công đoàn Công thương Việt Nam