Tháng Tư: Giao thoa những thế hệ, tiếp nối những mùa chiến thắng

Tháng Tư về, mang theo sắc đỏ hoa phượng và ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc. Đó không chỉ là mùa của những chiến công lẫy lừng, mà còn là dịp để các thế hệ Việt Nam nhìn lại, tri ân và tiếp bước. Từ chiến sĩ trên chiến trường năm xưa, đến người thầy, người công nhân hôm nay và lớp trẻ tương lai - tất cả cùng hòa nhịp trong một bản hùng ca không bao giờ tắt.

Ký ức người lính công binh - Những ngày không thể quên

CCB Trần Đăng Hiệp (Hà Nội), nguyên chiến sĩ Lữ đoàn Công binh vượt sông 249 - Binh chủng Công binh, từng tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972. Sau đó ông cùng đồng đội hành quân vào Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng Huế, Đà Nẵng và tiến vào Sài Gòn tháng 4-1975.

Ông Hiệp chia sẻ: “Cứ đến những ngày cuối tháng Tư, lòng tôi lại bồi hồi, xúc động. Hình ảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, lá cờ giải phóng tung bay giữa Sài Gòn - đó là giây phút cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng sau bao năm tháng gian khổ”.

Với ông Hiệp, ngày 30-4-1975 không chỉ là chiến thắng của người cầm súng, mà còn mở ra một kỷ nguyên để người dân được tự do làm chủ, được sống và sáng tạo. “Yêu nước không chỉ là ra chiến trường, mà còn là sống trách nhiệm, cống hiến hết mình cho quê hương trong thời bình”.

Lời nhắn từ một cựu quân nhân: “Hòa bình là thành quả thiêng liêng”

Cựu quân nhân Nguyễn Đăng Tiệm, nhập ngũ năm 1977, nguyên chiến sĩ trinh sát thuộc Lữ đoàn pháo binh 368, Quân đoàn 12- dù không trực tiếp tham gia giải phóng miền Nam, nhưng vẫn luôn trân trọng sâu sắc ý nghĩa của ngày 30-4 lịch sử: “Chiến thắng ấy không chỉ khép lại chiến tranh, mà còn mở ra một kỷ nguyên tự do, độc lập và phát triển. Sau đó là ngày 1-5, ngày của những người lao động. Nếu 30-4 tôn vinh người lính, thì 1-5 là dịp tri ân người công nhân, nông dân, trí thức - những chiến binh thời bình”.

Theo Cựu quân nhân Nguyễn Đăng Tiệm, những giá trị của chiến thắng 30-4 đã trở thành nền tảng cho thời bình - nơi sức lao động và tri thức trở thành công cụ bảo vệ, bồi đắp đất nước.

Thế hệ trẻ và khát vọng kế thừa

Cháu Nguyễn Ngọc Diệp - học sinh lớp 12, Trường THPT Mỹ Đình, (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) qua lời kể của ông nội là CCB, Nguyễn Ngọc Diệp cảm nhận sâu sắc niềm tự hào và biết ơn những người đi trước: “Ngày 30-4-1975 là chiến công của những người cầm súng, còn ngày 1-5 là chiến thắng của những người công nhân, nông dân, trí thức trên cả nước. Là thế hệ sinh ra trong hòa bình, em hiểu rằng mình cần sống xứng đáng, học tập chăm chỉ, sáng tạo không ngừng để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh”.

Chung một dòng chảy: Lịch sử, hiện tại và tương lai

Từ người lính năm xưa, người thầy hôm nay, đến thế hệ học sinh đang lớn lên trong thời đại mới - mỗi thế hệ là một nốt nhạc trong bản trường ca dân tộc. Những ngày lễ tháng Tư (30-4 và 1-5) không chỉ là dịp để nhắc nhớ, mà còn là lời hiệu triệu để sống đẹp hơn, cống hiến nhiều hơn, để giữ gìn và tiếp nối những mùa chiến thắng.

Hữu Doanh