Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2019: Cộng đồng chung tay phòng, chống
Các cháu thiếu nhi tham gia mít tinh phòng chống HIV/AIDS.
Ngày 1-12, tại T.P Bắc Giang, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” và “Ngày thế giới phòng, chống AIDS” năm 2019 với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS!”. Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2019 nhằm mục tiêu huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng để đạt được các mục tiêu 90-90-90 và các mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Những năm qua, đại dịch HIV/AIDS đã lan rộng đến tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt là các thành phố lớn như T.P Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và gây nên những hậu quả nghiêm trọng về các mặt kinh tế - xã hội. Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, mỗi năm có gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện; khoảng 2.000-3.000 người tử vong do AIDS. 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam có gần 7.800 ca nhiễm HIV mới phát hiện, gần 3.000 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, gần 1.500 người tử vong. Tính từ khi ca bệnh đầu tiên được phát hiện năm 1990, đến nay đã có trên 315.000 người nhiễm HIV, trong đó hơn 110.000 người tử vong...
Các cấp chính quyền, các ngành chức năng và người dân cả nước, trong đó có sự tham gia tích cực và hiệu quả của nhiều hội viên CCB và các tổ chức Hội CCB ở các địa phương trong cả nước đã đầu tư nhiều công sức và biện pháp để khống chế, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này... và là năm thứ 11 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả 3 tiêu chí về số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS.
Hiện nay nước ta trở thành quốc gia có thu nhập trung bình nên các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm mạnh. Với nguồn kinh phí cần thiết hơn 2.900 tỷ đồng để điều trị HIV/AIDS, hiện mới huy động được hơn 1.306 tỷ đồng, BHYT khoảng 1.050 tỷ đồng, còn thiếu khá nhiều... Cùng với việc nỗ lực đẩy nhanh việc thanh toán thuốc ARV qua BHYT, mở rộng tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT, Ngành Y tế cũng tích cực huy động các nguồn viện trợ quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời triển khai nhiều dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV và là một trong số ít quốc gia chi trả điều trị HIV/AIDS bao gồm cả thuốc ARV thông qua Quỹ BHYT (hoảng 40%). Sở dĩ người bị nhiễm HIV/AIDS không mua bảo hiểm y tế là do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người nhiễm HIV sống lang thang, không có hộ khẩu, không có nơi cư trú ổn định;...
Về việc cung ứng thuốc ARV, năm 2019 đã đấu thầu và mua sắm thành công thuốc ARV nguồn BHYT cho 48.000 bệnh nhân. Dự kiến hết năm 2020, sẽ cung ứng cho 103.000 bệnh nhân. Hiện nay, có 25/63 tỉnh, thành phố đã có nguồn ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí hỗ trợ một phần, cùng chi trả thuốc ARV nguồn BHYT. Các tỉnh còn lại đã có nguồn của dự án QTC và chương trình PEPFAR bảo đảm... Tất cả cùng hành động để hướng đến mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 đã được đề ra.
Để công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả thiết thực, rất cần sự chung tay, góp sức hơn nữa của cả cộng đồng. Bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tăng cường hỗ trợ từ gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS có ý nghĩa thiết thực đảm bảo cuộc sống xã hội an bình.
Quốc Huy