Tháng của bước ngoặt?
Binh sĩ Ukraine bên cạnh xe tải chở một lô tên lửa Javelin do Mỹ chuyển giao.
Mùa Đông lạnh giá sẽ tràn về châu Âu, bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) … Tất cả những yếu tố này đều có thể gây tác động mạnh và tạo ra bước ngoặt cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Mùa Đông đã được phong là “Tướng mùa Đông”, được cho là đã cứu nước Nga khỏi tay Napoleon và Hitler khi cái lạnh bắt đầu từ tháng 11 và lên tới lạnh cực độ từ tháng 12 đến tháng 2, thách thức cả binh lính lẫn trang thiết bị. Lực lượng Ukraine đang ráo riết chuẩn bị đối phó với các khó khăn được dự báo trước này, trong lúc các nước phương Tây cũng cấp tốc viện trợ cho Kiev các loại quần áo ấm cũng như giày, mũ, găng tay, lều trại phù hợp với mùa Đông. Các khoản viện trợ tuy rất lớn, nhưng người ta vẫn đặt câu hỏi là liệu có đủ hay không cho một đạo quân hơn 150.000 người. Phía quân đội Nga cũng chuẩn bị, nhưng đồng thời đang đánh phá mạng lưới năng lượng của Ukraine để đẩy Kiev vào thế khó.
Nhìn chung, mùa Đông đầu tiên kể từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine vừa là thách thức, vừa là cơ hội với cả Moscow và Kiev. Việc giữ được trận địa, giữ nguyên trạng thế trận trong mùa Đông là thách thức với cả hai bên bởi công tác hậu cần trên một địa bàn tác chiến rộng, lạnh giá và khó di chuyển, chứ chưa nói tới chuyện tiến quân bởi bài học nhãn tiền từ thời Napoleon và Hitler khi hành quân xa trong mùa Đông khắc nghiệt. Tuy vậy, với hình thức tác chiến bằng máy bay không người lái, pháo kích, hoặc tên lửa các bên có thể tiếp tục khiến đối phương tổn thất về nhiều mặt trong mùa Đông. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết bình thường, các nhà phân tích cho rằng nếu phương Tây giảm hỗ trợ cho Ukraine thì chiến thắng ắt thuộc về Nga. Thế nên, chỉ khi phương Tây vẫn duy trì và tăng sự ủng hộ về nhiều mặt với Kiev, Ukraine mới có khả năng đủ mạnh để trụ vững qua mùa Đông khi cơ sở hạ tầng của Ukraine đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đợt tấn công của Nga. Tuy vậy, sự ủng hộ của phương Tây cho Kiev, nhất là Mỹ, lại không chắc chắn vì chính bản thân chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đang phải lo cho chính mình khi cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ bắt đầu vào ngày 8-11.
Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ lần này là một thách thức lớn với đảng Dân chủ của ông Biden nếu muốn duy trì sự kiểm soát của mình ở cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Như mọi quốc gia trên thế giới, nền kinh tế Mỹ cũng đang đứng trước những thách thức lớn về suy thoái, ảnh hưởng tới uy tín của chính quyền ông Biden. Chỉ trong 1 năm qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất tiết kiệm tới 4 lần trong nỗ lực bình ổn thị trường tài chính, việc làm. Với cử tri Mỹ, lá phiếu của họ được quyết định chủ yếu dựa vào thu nhập của họ. Thu nhập đi xuống ắt sẽ đồng nghĩa với việc uy tín của chính quyền đương nhiệm giảm xuống.
Trong lúc kinh tế Mỹ khó khăn, sự ủng hộ với Ukraine của xứ cờ hoa buộc phải giảm. Viện Kinh tế Thế giới Kiel ước tính, cho tới ngày 11-10, khoản hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine là 52 tỷ USD, trong đó bao gồm hơn 27 tỷ USD hỗ trợ quân sự và gần 25 tỷ USD hỗ trợ kinh tế và nhân đạo. Ngày 28-10, chính quyền Tổng thống Biden đã cam kết cung cấp thêm 275 triệu USD hỗ trợ quân sự cho Kiev. Một cuộc thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos công bố ngày 5-10 cho thấy 73% người Mỹ ủng hộ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho Ukraine. Nhưng sự ủng hộ này dường như đang giảm trong đảng Cộng hòa. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew hồi tháng 9 cũng cho thấy 32% cử tri đảng Cộng hòa cho biết Mỹ đang cung cấp quá nhiều sự hỗ trợ cho Kiev, cao hơn 20 điểm đối với cùng câu hỏi được đặt ra hồi tháng 3. Đã thế, nhiều nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đã công khai tuyên bố sẽ ủng hộ giảm hỗ trợ cho Ukraine hoặc đưa ra các phương án để chấm dứt chiến sự theo hướng dừng chiến sự để đàm phán hòa bình. Với những phân tích trên, dù đảng nào nắm quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ thì sự ủng hộ về tài chính của Mỹ cho Ukraine sẽ không thể tăng lên bởi nước Mỹ cũng phải lo cho “nồi cơm” của dân mình.
Khi nước Mỹ từ thời ông Donald Trump chuyển hướng hợp tác từ đa phương sang song phương thì giờ đây ông Biden đang cố gắng đưa Mỹ trở lại quỹ đạo đa phương. Nhà Trắng đã thông báo Phó tổng thống Mỹ - Kamala Harris sẽ tham dự APEC ở Bangkok, Thái Lan từ ngày 18 đến 19-11 này trong nỗ lực thể tầm quan trọng của nền kinh tế Mỹ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự kiện này sẽ là bình thường nhưng nó lại trở nên đặc biệt bởi ông chủ Nhà Trắng Biden sẽ dự Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia và ngày 15 và 16-11, sự kiện mà Tổng thống Nga - Vladimir Putin đã được mời tham dự chính thức.
Trả lời phỏng vấn của kênh CNN ngày 11-10, Tổng thống Mỹ - Biden để ngỏ cánh cửa đối thoại với Nga bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga - Sergei Lavrov phát biểu trên truyền hình quốc gia rằng, nước này sẵn sàng thảo luận với Mỹ và phương Tây để tìm cách chấm dứt xung đột, nhưng vẫn chưa nhận được đề xuất đàm phán nghiêm túc nào.
Trên thực tế, liên lạc giữa Nga với Mỹ và các nước thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn chưa bị cắt đứt hoàn toàn. Bộ trưởng Quốc phòng Nga vẫn điện đàm với người đồng cấp Mỹ và châu Âu để trao đổi thông tin khi cần thiết. Một tín hiệu tốt nữa là tuy cả Nga và Mỹ đều đưa ra những điều kiện để nguyên thủ của mình gặp người đồng cấp bên kia và các điều kiện đều khó để bên kia chấp thuận nhưng dẫu gì hai bên đều có hướng muốn gặp nhau trực tiếp. Như vậy, nếu ông Putin và Biden gặp nhau ở Bali và đi đến một thỏa thuận nào đó, chắc chắn sẽ có bước ngoặt lớn trên chiến trường Ukraine. Ngược lại, nếu họ không gặp nhau hoặc gặp mà không đi tới thỏa thuận nào thì mùa Đông khắc nghiệt sẽ không chỉ bao phủ trên khắp châu Âu mà còn lan sang cả nước Mỹ và nhiều quốc gia khác khi không tìm được tiếng nói chung cho giải pháp hòa bình ở Ukraine.
Thế giới đã chịu quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ chiến sự ở Ukraine khi các lệnh cấm vận kinh tế với Nga đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng khiến nhiều loại hàng hóa trở nên khan hiếm, đặc biệt là năng lượng. Mọi nỗ lực phục hồi kinh tế của các quốc gia sau đại dịch Covid-19 đều gặp phải những trở ngại lớn bởi những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của chiến sự ở Ukraine. Trong khi đó, những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống mà cả thế giới phải chung tay xử lý vẫn còn đó. Hy vọng, tháng 11 sẽ mang tới nhiều tín hiệu tốt cho hòa bình và hạnh phúc.
Thanh Huyền