Tháng 7 - tháng tri ân: Lời núi sông đồng vọng

Hội viên CCB phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, T.P Hà Nội) viếng Đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại Di tích lịch sử Hỏa Lò.

Tháng 7, cả nước hướng về Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) với tấm lòng biết ơn sâu sắc lớp lớp cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đây là khoảng thời gian toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, Người có công với cách mạng.

"Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí, chung câu quân hành" (Tiếng hát sang xuân - Tố Hữu). Để giữ gìn, vun đắp, phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là nhớ về cội nguồn, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc Việt Nam được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ; là dịp tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh đi trước, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Đi qua hai cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế, cả nước có 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 139.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 800.000 thương binh, bệnh binh và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học, gần 111.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày,... Hằng năm, có gần 106.000 lượt người được điều dưỡng tập trung và gần 387.000 lượt người điều dưỡng tại gia đình. Cả nước có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng Người có công, trong đó có 30 trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng. Hiện cả nước có hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ. 5 năm qua, trong số 7.000 hồ sơ tồn đọng, Bộ LĐTBXH xác nhận được hơn 2.400 liệt sĩ, 2.700 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, phần lớn những liệt sĩ được xác nhận đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều trường hợp hy sinh cách đây trên 70, 80 năm, cá biệt có trường hợp hy sinh cách đây hơn 90 năm.

Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhiều hoạt động tri ân và tôn vinh các Anh hùng liệt sĩ diễn ra trên khắp cả nước. Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và Người có công là vinh dự, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người dân. Đặc biệt, các cấp Hội CCB Việt Nam, từ T.Ư Hội cho tới các chi Hội, từ Hà Giang - mảnh đất địa đầu cực Bắc tới mũi Cà Mau - điểm cực Nam đất liền của Tổ quốc, các hoạt động tri ân được tổ chức sâu rộng dưới nhiều hình thức phong phú góp phần cổ vũ, động viên, phát huy tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc và bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ: Tổ chức cầu siêu, thả đèn hoa đăng; giao lưu gặp mặt tưởng nhớ đồng đội, cùng ôn lại những năm tháng của một thời "hoa lửa", tuyên dương những thương binh tiêu biểu; giao lưu văn hóa nghệ thuật ở nhiều cấp; những chuyến về thăm lại chiến trường xưa; viếng nghĩa trang liệt sĩ; làm mâm cơm giỗ đồng đội; tặng quà các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, Người có công với cách mạng...

Mỗi nghĩa cử đầy ắp ân tình, dạt dào cảm xúc về một thời thanh niên nhiệt huyết, hăng hái lên đường chiến đấu, và trong số đó tên của biết bao người đã “khắc vào đá núi”, hóa thành hồn thiêng sông núi... Được trở về quê hương, sống trong thanh bình, họ thường nhắc với nhau hai từ "may mắn" - vừa khiêm cung nhưng cũng là để nhắc mình không bao giờ quên sự hy sinh, mất mát của đồng đội và các gia đình liệt sĩ.

Kỷ niệm ngày 27-7 là dịp họ được ngồi bên nhau nhắc lại kỷ niệm từng trận đánh, tên đơn vị, tên đồng đội, ai còn ai mất... Những mái đầu tóc đã pha sương ghé lại gần nhau, những giọt nước mắt rưng rưng vẫn nhòe trên gương mặt, những cái bắt tay thật chặt ấm tình đồng đội... họ cùng trân trọng, nâng niu những năm tháng hào hùng của quá khứ, nhắc nhau giữ gìn "chất lính", trân quý mỗi phút giây của hiện tại bởi quỹ thời gian của đời người chỉ có hạn. Tại buổi gặp mặt tri ân do Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Á tổ chức (Tổng giám đốc Công ty - Vũ Xuân Hợi là thương binh 3/4, công ty có 60% cán bộ, công nhân là thương binh), CCB Cao Xuân Lịch xúc động nhắc lại kỷ niệm khi ông giúp mẹ của liệt sĩ Hoàng Kim Minh tìm được mộ của con trai: "Mẹ có thể nhắm mắt được rồi!".

Hiếm có đất nước nào mà mỗi tấc đất, thước biển đều thấm đẫm máu xương của các anh hùng liệt sĩ; của thương, bệnh binh, của lực lượng thanh niên xung phong, của quân, dân ta. Và cũng hiếm có đất nước nào, mà mỗi miền quê, mỗi xã, phường (thậm chí ở một số làng mạc, khu phố) đều có nghĩa trang liệt sĩ.

Phát huy tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, hầu hết thương binh, bệnh binh luôn khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống cách mạng, tham gia xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Nhiều tấm gương CCB - thương binh có nhiều đóng góp tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền; phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ… Tiêu biểu như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Anh hùng LLVTND, thương binh 4/4, mặc dù tuổi cao (96 tuổi) nhưng với kinh nghiệm thực tiễn, trách nhiệm của người đảng viên, bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, luôn tích cực tham gia đóng góp ý kiến, đấu tranh trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, trước những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên; doanh nhân CCB, TS. Hà Văn Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Hà Quang, thương binh 1/4, không chỉ thành công trên thương trường, ông luôn quan tâm đến các hoạt động nghĩa tình đồng đội, đóng góp hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội và gần đây nhất là công trình xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ xã An Thượng (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang)...

Tháng Bảy về, triệu triệu tấm lòng tri ân được thắp sáng. Những ngọn nến tỏa ánh sáng lung linh trong làn khói linh thiêng của những nén tâm nhang tại các nghĩa trang liệt sĩ, nhắc nhớ "cái giá của hòa bình" và hậu thế hôm nay phải sống sao để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của những người đã ngã xuống cho sự trường tồn của dân tộc.

Hồ Thanh Hương