Thận trọng khi vay vốn “tín dụng đen” để kinh doanh
Trong những năm gần đây, cùng với sự bùng phát rầm rộ của dịch vụ cho vay tiền do một số tập thể, cá nhân đứng ra tổ chức, mà dân ta quen gọi là loại hình “tín dụng đen”, thì những ai có nhu cầu cần tiền để kinh doanh buôn bán, tiêu dùng, hay làm bất cứ việc gì thì đều có thể dễ dàng tiếp cận loại hình dịch vụ này…
Giải ngân trong… vài giờ
Để vay được tiền của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” không khó, thậm chí là rất dễ dàng. Giải ngân chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, tiền nhận tận nơi khi có người mang đến, miễn là người vay đáp ứng được vài điều khoản cơ bản trong giao kèo. Đó là người vay phải có: Chứng minh thư hoặc hộ khẩu, bằng lái xe, nếu có nhà cửa càng tốt (không cần thế chấp)...
Tuy nhiên, như chúng ta biết, nếu ai đó một khi đã dính dáng đến vay tiền, nhất là không còn có “cửa” nào để vay nữa, mà phải tìm tới dịch vụ “tín dụng đen”, thì chỉ có thể đó là người nghèo khó, không ít người thuộc dạng túng thiếu bần cùng! Tất nhiên, có không ít người vay tiền của “tín dụng đen” để giải quyết khâu trước mắt là trả nợ cũ, để chơi cờ bạc, để mua sắm một số vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như xe cộ, điện thoại, máy tính bảng..., nhưng cũng có không ít trường hợp theo như tôi biết thì do nhu cầu cần vốn liếng để kinh doanh buôn bán, mở cửa tiệm, quán ăn..., do thiếu vốn, chưa đủ vốn, và họ cũng “gõ cửa” các nhóm cho vay tiền “nóng”! Việc vay vốn kinh doanh buôn bán khi phải “gánh” lãi suất ngày, tháng với mức cao đến cắt cổ là cực kỳ nguy hiểm. Bởi trên thực tế, vài năm nay đã có rất nhiều trường hợp chịu cảnh khốn khổ vì làm không đủ trả tiền lãi hằng ngày. Trong khi có người thì phải chịu o ép, chửi bới, thậm chí là bị đánh vì không đóng tiền lãi, tiền vốn đúng hẹn...
Trường hợp một cặp vợ chồng tuổi trung niên, quê Quảng Nam, hiện đang thuê trọ ngay gần khu dân cư tôi sinh sống (T.P Thủ Đức, thuộc T.P Hồ Chí Minh) là một ví dụ. Trước đây người chồng chạy xe ôm truyền thống, chị vợ đi chợ ve chai, nhưng vài năm nay không chỉ việc chạy xe ôm truyền thống của chồng bị xe ôm công nghệ Grab “đè chết” khi chất lượng tốt, thuận tiện và giá rẻ hơn; mà nghề ve chai của người vợ cũng ế ẩm bởi quá nhiều người theo công việc này, khiến cho đồng tiền kiếm được của cả hai vợ chồng mỗi ngày không nhiều, lại cực kỳ vất vả! Sau bao đắn đo suy nghĩ, hai vợ chồng đã đi đến quyết định chuyển sang bán hủ tiếu tại vỉa hè một con hẻm thông ra trục đường chính. Để mở một xe hủ tiếu với một số đồ nghề phải mua sắm như xe đẩy, bàn ghế, chén bát... là không ít vốn, cỡ mấy chục triệu đồng. Trong khi số tiền hai vợ chồng chỉ có được hơn 10 triệu đồng và họ đã quyết định gọi điện thông qua số điện thoại trên tờ giấy quảng cáo cho vay tiền dán trên bờ tường khu trọ. Sau cuộc điện thoại chừng 15 phút, có một thanh niên tới. Hai bên thỏa thuận vay 30 triệu đồng, với hình thức lãi là 7.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tiền lãi có thể trả theo ngày, theo tuần hoặc theo tháng, tới khi nào trả gốc thì thôi. Thực tình tôi không rõ hai vợ chồng họ thỏa thuận trả lãi theo hình thức ngày, tuần, hay theo tháng, nhưng với mức lãi 7.000 đồng/1 triệu đồng/ngày như vậy, thì vị chi 24 giờ qua đi họ mất 210.000 đồng tiền lãi phải trả, tương ứng 1 tháng là 6.300.000 đồng - một số tiền không hề nhỏ đối với cảnh buôn bán kinh doanh ở vỉa hè mưa nắng thất thường, lúc đắt hàng khi ế ẩm!
Khi xe hủ tiếu của vợ chồng họ mở ra, vì là ra sau nên phải cạnh tranh với khá nhiều các quán hủ tiếu khác mở bán trước có khách quen, nên khách khứa không nhiều, vì vậy tiền lời hôm nào đắt khách cũng chỉ đủ đóng lãi và tiền trọ, tiền ăn. Còn những hôm ế thì không lo nổi tiền trả lãi vay “tín dụng đen”. Chính vì buôn bán thu nhập không ổn định như vậy, nên tính từ lúc vay tiền mở quán hủ tiếu tới nay đã là gần 4 tháng, vậy mà vợ chồng nhà họ vẫn chưa thể trả nổi gốc. Mỗi tháng vẫn phải trả đủ hơn 6 triệu tiền lãi! Nếu cứ tình trạng này, chỉ cần tháng thứ 5 trôi qua là số tiền lãi mà vợ chồng họ phải trả đã quá cả số vốn vay ban đầu và không biết tới khi nào họ mới có thể lo nổi 30 triệu trả để mà... thoát cảnh nợ nần (?!).
Đau đầu vì… nợ nần
Cũng chịu cảnh “đau đầu” vì nợ nần “tín dụng đen” như hai vợ chồng bán hủ tiếu, hàng xóm của tôi, chị tên Lan, quê Hưng Yên, vào T.P Hồ Chí Minh khoảng 4 năm nay mà tôi biết cũng từng phải dở khóc dở mếu vì vay của “tín dụng đen” 40 triệu đồng để làm vốn mở sạp bán rau quả. Trước kia chị Lan đi bán vé số, nhưng do ngày càng đông người bán, tiền lời kiếm được hằng ngày chỉ đủ trả tiền trọ, tiền ăn, mà không có tích cóp, vì vậy chị Lan chán, nhận thấy mấy người đồng hương kinh doanh sạp rau quả ở khu dân cư kiếm được và chị Lan đã bắt chước với hi vọng khấm khá hơn công việc bán vé số dạo.
Số tiền 40 triệu vay theo hình thức phải trả thành 50 triệu, và đóng trả góp theo ngày cả vốn lẫn lãi, với mỗi ngày 1 triệu đồng, trong vòng 50 ngày là hết. Nghĩa là trong số tiền 1 triệu đồng phải đóng hằng ngày đó, chị Lan phải “gánh” 200.000 đồng tiền lãi! Trước khi mở sạp rau quả, chị Lan suy nghĩ với mỗi ngày kiếm lãi cỡ dăm bảy trăm nghìn, thậm chí là tiền triệu như mấy người đồng hương hành nghề này từ nhiều năm trước, thì việc phải trả 200.000 đồng tiền lãi cũng không quá nặng, vì vậy mà chị hăng hái lao vào công việc mới với sự lạc quan cao độ! Thế nhưng, thương trường nhiều khi đúng là khốc liệt như... chiến trường, khi căn phòng chị Lan thuê tại mặt tiền hẻm vừa đắt, với 7 triệu đồng/tháng (phải đóng tiền phòng 6 tháng ngay khi bắt đầu), trong khi khách mua rau quả hàng ngày lèo tèo, thưa thớt, khi mà mấy sạp bán cũ họ “hớt” hết khách quen. Việc kinh doanh đìu hiu, khi rau quả lấy nhiều không bán được hôm sau héo, thối phải vứt bỏ, chính vì vậy mà lợi nhuận thu được không những không đủ đóng tiền phòng thuê, nên tiền gốc tiền lãi vay của khoản 40 triệu đồng phải đóng mỗi ngày chị đều phải bỏ tiền túi ra! Cầm cự cố hết 6 tháng, chị lan đã phải sang nhượng lại sạp cho người khác để tháo vốn và trở lại công việc bán vé số dạo, và chịu thua lỗ tất cả hơn 70 triệu. Chị Lan kể rằng: “rất may là sau đợt vay 40 triệu đồng, lúc trả hết rồi, mấy tay cho vay cứ nài nỉ tôi vay tiếp, và họ hứa sẽ giảm mức lãi suất rẻ hơn đợt trước, nhưng tôi không vay, bởi thấy quá sợ, vì cái cảnh kinh doanh buôn bán mà không đủ trả tiền lãi thì vay làm gì cho mệt thân, mệt đầu! Sau vụ vay “tín dụng đen” chắc tôi cạch đến già không dám dính dáng lần thứ hai nữa. Bởi nếu trả đúng hẹn mỗi ngày thì chúng vui vẻ niềm nở, còn hễ chậm, khất nợ là chúng chửi bới, đe dọa...”.
Thông qua hai trường hợp vay tiền để lấy vốn kinh doanh buôn bán kể trên, cũng như một số người khác mà tôi biết, để nói lên rằng việc vay tiền của “tín dụng đen” nói chung, cũng như vay tiền làm vốn kinh doanh nói riêng là điều tối kỵ, không nên một chút nào. Chính vì vậy, đại đa số những người trong cuộc từng là nạn nhân của loại hình dịch vụ “tín dụng đen” đưa ra lời khuyên với hết thảy những ai chưa từng dính tới hình thức này, là đừng bao giờ, và chớ có dại vay tiền của “tín dụng đen”. Nếu với ý định vay để làm vốn kinh doanh buôn bán thì phải loại bỏ ngay tức thì. Bởi không những không lo nổi đóng đủ tiền lãi cao đến… “cắt cổ”, mà nó còn đau đầu, sinh nhiều những hệ lụy rắc rối tới bản thân, gia đình...
Đặng Đức