Thận trọng khi ăn hải sản
Tôm rất dễ bị ươn, hỏng, khi mắt tôm có những vết xám đục là dấu hiệu tôm bị ươn, thịt tôm đã lên men. Nếu thịt tôm bở, màu không còn trong, đuôi tôm mềm nhũn, mùi vị ươn thối thì không được dùng làm thức ăn. Tôm bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh, nếu đun nấu chưa chín, khi ăn sẽ bị ngộ độc
Cua: hàm lượng protein trong 100g cua đồng là 12,3%, trong cua biển là 17,5%. Về chất lượng, thịt cua có đủ các acid amin cần thiết. Cua là một trong những loại thực phẩm giàu vitamin và muối khoáng. Lượng canxi trong 100g thịt cua là 5040mg, sắt là 4,7mg/100g và trong thịt cua có đủ các loại vitamine nhóm B, vitamine PP. Ngoài ra, cua còn cung cấp các vi lượng khác như đồng, kẽm..
Cua là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt, nhưng thịt cua thường khó tiêu. Khi cua bị ươn thường sinh ra các chất gây dị ứng và tiêu chảy, nên chỉ sử dụng cua khi còn sống. Ăn cua, tôm nấu chưa chín có thể gây nguy cơ mắc bệnh sán lá phổi.
Khi sán sống ký sinh ở phổi, người bệnh có triệu chứng giống triệu chứng bệnh lao. Trong trường hợp ký sinh ở não sẽ gây nên các cơn động kinh; sán ở gan, gây áp xe gan. Tuổi thọ của sán kéo dài 6-16 năm.
Mực: hàm lượng protid, vitamine và chất khoáng trong mực thấp hơn so với lươn. Cần lưu ý, không ăn loại mực râu xanh vì có chứa chất độc như cá nóc, có thể gây chết người. Nếu mực không còn tươi, cơ thể hấp thụ cũng dễ sinh bệnh đi ngoài, khó tiêu…
Thanh Hòa