Thân nhân gia đình liệt sĩ cần được tiếp tục hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ
Hài cốt liệt sĩ Vũ Dương Nhạc nằm ở Nghĩa trang liệt sĩ Kiến Hưng.
Hiện nay tại tổ dân phố số 10, phường Phúc La (Hà Đông, Hà Nội) có 5 liệt sĩ chống Pháp, trong đó có liệt sĩ Vũ Dương Nhạc (còn gọi Vũ Danh Nhạc) bị cắt chế độ thờ cúng vì bị mất Bằng Tổ quốc ghi công.
Liệt sĩ Vũ Dương Nhạc sinh năm 1922 tại làng Xa La, tổng thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông; sau năm 1954 là làng Xa La, xã Kiến Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay là phường Phúc La, quận Hà Đông, T.P Hà Nội. Ông Nhạc nhập ngũ khoảng 1946-1947, hy sinh ngày 5-3-1950 tại Đèo Khế, Thái Nguyên, thuộc Xưởng Quân giới (Cục Quân giới) phụ trách lúc đó là ông Trần Đại Nghĩa. Ông Nhạc đã được Nhà nước công nhận liệt sĩ, được cấp Bằng Tổ quốc ghi công năm 1957, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký.
Sau hòa bình lập lại (1954), gia đình đã bốc hài cốt liệt sĩ Vũ Dương Nhạc ở Thái Nguyên về an táng ở làng Xa La, phủ Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Đoàn đi bốc mộ có bốn người, nay ba người đã mất, chỉ còn ông Vũ Dương Tăng 92 tuổi, là cháu ruột - người thờ cúng liệt sĩ (có xác nhận của UBND phường Phúc La về việc bốc mộ liệt sĩ). Đến năm 1960, khi phường Kiến Hưng xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Kiến Hưng, gia đình đã chuyển hài cốt liệt sĩ Vũ Dương Nhạc về vị trí số 2, dãy D, khu B thuộc Nghĩa trang liệt sĩ Kiến Hưng và được UBND phường Kiến Hưng xác nhận. Từ đó đến năm 2023 (hơn 60 năm), gia đình vẫn được hưởng chế độ thờ phụng liệt sĩ.
Liệt sĩ Vũ Dương Nhạc được khắc tên trên Bia tưởng niệm liệt sĩ khu Xa La và Bia tưởng niệm liệt sĩ phường Phúc La, quận Hà Đông. Trong cuốn “Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân phường Phúc La (1930-2014)” tại trang 50 có ghi: “Chiến đấu và tham gia kháng chiến chống Pháp 19 người con của quê hương (Yên Phúc 7, Xa La 12) đã anh dũng hy sinh, được công nhận là liệt sĩ”; con số 12 liệt sĩ chống Pháp của khu Xa La trùng khớp với 12 liệt sĩ được khắc trên Bia tưởng niệm liệt sĩ khu Xa La.
Khi ông Vũ Dương Nhạc được Nhà nước công nhận liệt sĩ, 5 năm sau bà Nguyễn Thị Hinh - vợ liệt sĩ (có tên trong Bảng gia đình vẻ vang số 27, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cấp ngày 20-12-1954, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Võ Nguyên Giáp ký) đã tái giá, đi lấy chồng khác. Vợ chồng liệt sĩ không có con, bà Hinh lấy chồng sau cũng không có con, đã mất khoảng 10 năm. Khi đi lấy chồng sau, bà Hinh đã mang theo các loại giấy tờ, trong đó có Bằng Tổ quốc ghi công. Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước do sơ tán nhiều lần, chuyển nhà, các loại giấy tờ (có Bằng Tổ quốc ghi công) đã bị mất, thất lạc.
Việc thờ cúng liệt sĩ lâu nay do ông Vũ Dương Tăng (cháu ruột) đảm nhận và năm nào nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ, cũng được chính quyền địa phương mời dự lễ và nhận quà. Từ năm 2016 do tuổi cao, sức yếu ông Tăng xin nghỉ và ủy quyền lại cho con trai tên là Vũ Duy Cường hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục việc thờ cúng liệt sĩ Vũ Dương Nhạc (có xác nhận của UBND phường Phúc La).
Năm 2023, phường Phúc La thông báo Sở LĐTBXH Hà Nội hướng dẫn gia đình thờ cúng liệt sĩ phải có Bằng Tổ quốc ghi công. Nếu không sẽ tạm dừng công nhận gia đình liệt sĩ. Và thực tế năm 2023, gia đình ông Vũ Duy Cường đã bị cắt chế độ thờ cúng liệt sĩ.
Việc cắt chế độ thờ cúng liệt sĩ Vũ Dương Nhạc đã để lại nhiều băn khoăn, thậm chí là thất vọng đối với thân nhân gia đình liệt sĩ. Bởi vì ông Vũ Dương Nhạc đã được Nhà nước công nhận là liệt sĩ, có tên trên Bia tưởng niệm liệt sĩ khu Xa La và Bia tưởng niệm liệt sĩ phường Phúc La nhưng tra cứu dữ liệu của Sở LĐTBXH T.P Hà Nội không có hồ sơ của liệt sĩ, nay lại bị cắt chế độ thờ cúng. Nếu lấy lý do không có Bằng Tổ quốc ghi công để cắt chế độ thờ cúng là không thấu tình đạt lý, bởi liệt sĩ Vũ Dương Nhạc đã được Nhà nước cấp Bằng Tổ quốc ghi công, tuy nhiên do hoàn cảnh khách quan nên hiện nay đã mất.
Nguyện vọng tha thiết của thân nhân gia đình liệt sĩ là kính đề nghị Cục Người có công (Bộ LĐTBXH); Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và các cơ quan, đơn vị có liên quan tra cứu, cung cấp dữ liệu Bằng Tổ quốc ghi công và các giấy tờ liên quan đến liệt sĩ Vũ Dương Nhạc (Vũ Danh Nhạc) để gia đình làm thủ tục xin cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công và tiếp tục được hưởng chế độ thờ cúng đối với người có công và thân nhân liệt sĩ; cũng là thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và chính sách đối với Người có công của Đảng, Nhà nước ta.
Xuân Liệu