Tham vọng tái kiểm soát kênh đào Panama của Mỹ

Việc Mỹ đạt được thỏa thuận chung với Panama cho phép nước này triển khai binh sĩ đến các cơ sở quân sự dọc theo kênh đào Panama đánh dấu một bước đi quan trọng trong tham vọng của Washington giành quyền kiểm soát tuyến đường thủy chiến lược này.

Theo trang Army Recognition, một văn bản thỏa thuận đã được các quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ và Panama ký kết hồi tuần trước, thiết lập khuôn khổ cho các hoạt động hợp tác an ninh và hợp thức hóa sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Panama. Mặc dù văn bản này không cho phép Mỹ xây dựng căn cứ thường trực, nhưng trao cho Washington quyền tự do triển khai một số lượng không xác định binh sĩ tới các căn cứ, bao gồm cả những cơ sở do Mỹ xây dựng từ thời còn kiểm soát vùng kênh đào nhiều thập niên trước, để tham gia huấn luyện, tập trận và các hoạt động khác.

Đây được xem là một nhượng bộ lớn của Panama với mục tiêu của Tổng thống Mỹ - Donald Trump tái thiết lập ảnh hưởng của Washington với tuyến đường thủy chiến lược này.

Nằm ở phần hẹp nhất của eo đất giữa Bắc và Nam Mỹ, kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo dài khoảng 82km, nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, phân chia Bắc Mỹ và Nam Mỹ, cho phép tàu thuyền không phải vòng qua tuyến đường dài và nguy hiểm qua cực Nam của Nam Mỹ.

Với vị trí thuận lợi, kênh đào Panama được xem là một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất về mặt chiến lược trên thế giới. Theo thống kê, hiện kênh đào này đáp ứng khoảng 6% tổng lượng thương mại hàng hải toàn cầu. Mỹ là nước sử dụng nhiều nhất, chiếm 74% lượng hàng hóa vận chuyển qua đây, tiếp theo là Trung Quốc với 21%. Không chỉ quan trọng về mặt kinh tế, kênh đào Panama còn giữ vai trò chiến lược về mặt quân sự nhờ cho phép di chuyển nhanh chóng lực lượng hải quân giữa hai đại dương.

Nhìn lại lịch sử, kênh đào Panama do Mỹ xây dựng trong 11 năm và được khai trương vào năm 1914. Tổng chi phí xây dựng kênh là gần 380 triệu USD, trở thành công trình xây dựng tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ tính đến thời điểm lúc bấy giờ. Bởi kênh đào do Mỹ vận hành nên theo thời gian, quan hệ giữa Mỹ và Panama dần rạn nứt do những bất đồng về quyền kiểm soát kênh đào, cũng như cách đối xử của Mỹ với công nhân Panama.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào tháng 1-1964, khi các cuộc bạo loạn chống Mỹ làm nhiều người thiệt mạng ở vùng kênh đào, dẫn đến việc Mỹ và Canada cắt đứt quan hệ ngoại giao trong thời gian ngắn. Sau nhiều năm đàm phán, năm 1979, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ - Jimmy Carter, hai nước ký thỏa thuận về việc Mỹ sẽ chuyển giao quyền kiểm soát Kênh đào cho Panama. Ngày 31-12-1999, Tổng thống Mỹ - Bill Clinton đã thực hiện đúng cam kết, trao lại con kênh này cho Panama.Tính trung lập của kênh đào này được quy định trong Hiến pháp Panama. cho phép tất cả các tàu thuyền đi qua.

Tuy nhiên, ngay từ khi tiến hành chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã khiến dư luận bất ngờ khi tuyên bố muốn “lấy lại” Kênh đào Panama. Trong bài phát biểu nhậm chức vào tháng 1 năm nay, ông lặp lại cáo buộc Panama “đã phá vỡ cam kết mà họ đưa ra về việc chuyển giao kênh đào năm 1999”. Theo ông Trump, Trung Quốc có sự hiện diện quá lớn ở Kênh đào Panama. Washington lo ngại trong trường hợp xảy ra xung đột, Bắc Kinh có thể đóng cửa kênh đào đối với các tàu Mỹ, bao gồm cả tàu quân sự.

Ngay sau khi ông Trump lên nắm quyền, Nhà Trắng đã yêu cầu Lầu Năm góc soạn thảo các phương án nhằm tăng cường hiện diện quân sự tại Panama. Bộ Tư lệnh Nam Mỹ (SOUTHCOM) đã chuẩn bị nhiều chiến lược khác nhau, từ tăng cường hợp tác với lực lượng an ninh Panama đến phương án sử dụng vũ lực quân sự để giành quyền kiểm soát tuyến đường thủy chiến lược này. Trong chuyến thăm Panama tháng trước, Ngoại trưởng Marco Rubio đã nói với Tổng thống nước chủ nhà José Raúl Mulino rằng: “Trạng thái hiện tại là không thể chấp nhận được” với sự hiện diện của Trung Quốc tại Panama. Nguy cơ Mỹ can thiệp hoặc tái kiểm soát kênh đào gây lo ngại sâu sắc cho cả Panama và các nước láng giềng trong khu vực.

Với thỏa thuận vừa ký kết, Panama phần nào nhượng bộ, cho phép sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Panama. Cùng với thỏa thuận trên, Mỹ cũng tăng cường hành động để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại kênh đào Panama. Mới đây, một tập đoàn của Mỹ, dẫn đầu bởi công ty đầu tư BlackRock, đã mua lại 90% cổ phần của Panama Ports Company từ tập đoàn CK Hutchison có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) với giá 22,8 tỷ USD. Panama Ports Company chính là công ty vận hành 2 cảng Balboa và Cristobal ở hai đầu kênh đào Panama.

Mặc dù ông Frank Sixt, đồng Giám đốc điều hành CK Hutchison, quả quyết rằng thương vụ này thuần túy mang tính chất thương mại và không hề liên quan tới những tin tức chính trị gần đây về các cảng ở Panama, cũng như tuyên bố của ông Trump về việc “giành lại” quyền kiểm soát kênh đào Panama, tuy nhiên nó cho thấy cuộc đấu giành quyền kiểm soát kênh đào Panama diễn ra âm thầm nhưng đầy gay cấn.

Tiến Thanh