Thâm trầm hát Xẩm

Theo truyền thuyết thì Trần Quốc Đĩnh, đời nhà Trần được suy tôn là ông tổ nghề hát Xẩm. Ông có công mang tiếng đàn, lời ca dậy cho người dân nghèo có nghề kiếm sống và hát Xẩm đã ra đời từ đó. Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã lập ra một giải thưởng mang tên Trần Quốc Đĩnh nhằm tôn vinh, hỗ trợ các nghệ nhân, nhà nghiên cứu có công đóng góp cho âm nhạc truyền thống.

Trong đề tài nghiên cứu của mình Nhà nghiên cứu dân gian lão thành Trần Việt Ngữ công bố năm 1964, thì hát Xẩm có 8 làn điệu chính, như Xẩm chợ; Xẩm xoan; Xẩm nhà trò; Xẩm cô đầu... Riêng Hà Nội có dòng Xẩm tàu điện, vì nó thường được hát trên tàu điện, do các nghệ nhân Xẩm từ thôn quê ra Hà Nội biểu diễn. Để làm vừa lòng và phù hợp với thị hiếu của dân thị thành các gánh Xẩm đã khéo léo lồng những bài thơ của những thi sĩ nổi tiếng, làm nên loại hình âm nhạc đường phố rất độc đáo, góp phần tạo nên nét đặc sắc riêng văn hóa phố phường của Thăng Long - Hà Nội, như các bài thơ: “Cô hàng nước”, “Giăng sáng vườn chè”, “Em đi tỉnh về” của Trần Tuấn Khải và Nguyễn Bính...

Nghệ thuật hát Xẩm gắn liền với quần chúng, có tính tuyên truyền cộng đồng rộng rãi và có tính giáo dục cao, với những giai điệu rất hay, rất đặc biệt; ca từ chủ yếu là thơ lục bát, lục bát biến thể có thêm các tiếng láy, tiếng đệm cho phù hợp với làn điệu, mang tính tự sự “ý tại ngôn ngoại”, như than thân trách phận; nêu gương các anh hùng, liệt sĩ hay châm biếm những thói hư, tật xấu... hoặc trữ tình.

Thời phong kiến, hát Xẩm là tiếng nói phản kháng lên án những bất công cường quyền, áp bức, những thói hư tật xấu của xã hội, cất lên tiếng nói bênh vực những số phận bất hạnh nghèo khổ bị chà đạp. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 hát Xẩm được các nhạc sĩ, cán bộ văn hóa sử dụng như một công cụ để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước rất hiệu quả.

Mặc dù nước ta đã có Dự án đệ trình UNESCO công nhận hát Xẩm là Di sản văn hóa phi vật thể của Thế giới, nhưng hát Xẩm hiện đang bị mai một và có nguy cơ mất hẳn trong đời sống văn hóa nước nhà nếu nó không được kịp thời đầu tư, bảo tồn.

Phạm Đông