Thắm tình đất Quảng Ngãi
Tiếp nối truyền thống “Vì nhân dân quên mình”, 5 năm qua thực hiện Chương trình “Phối hợp vận động toàn dân xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ”, giữa Hội CCB và Công an tỉnh; các cấp Hội đã xây dựng, củng cố và nhân rộng 74 mô hình quần chúng tham gia giữ gìn ANTT, theo hướng “tự phòng”, “tự quản”, “tự bảo vệ”, “tự hòa giải”... Trong đó nổi lên một số cách làm tiêu biểu như: Mô hình “Tổ CCB vận động hội viên và nhân dân không khai thác, vận chuyển gỗ trái phép” ở xã Long Hiệp (Minh Long); mô hình 3 phối hợp giữa “CCB- Công an-Biên phòng” tại xã Phổ Thạnh (Đức Phổ); mô hình “dây, gậy, mõ” của xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành)... Các mô hình này đang được triển khai nhân rộng ra 184 xã, phường, thị trấn và trong 105 cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng ngừa, làm giảm một số loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Hội CCB xây dựng 1.103 tổ hòa giải ở các cụm dân cư, hòa giải thành công 180 vụ tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân. Các cấp Hội và Công an phối hợp tổ chức 7.920 đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, phong trào thi đua của địa phương có gần 677.300 lượt người tham gia...
Qua các đợt phát động, hội viên CCB và nhân dân đã cung cấp kịp thời cho công an gần 22 nghìn nguồn tin có giá trị liên quan đến hàng chục ngàn vụ, việc phức tạp. Từ đó giúp lực lượng Công an khám phá hàng trăm vụ án kinh tế, hình sự, triệt phá nhiều băng, ổ, nhóm tội phạm; xóa 9 điểm mại dâm cùng nhiều tụ điểm phức tạp khác. Hai bên tổ chức 1.304 đợt cao điểm vận động nhân dân tham gia tấn công, trấn áp tội phạm, với hơn 140.700 lượt người tham gia. Đặc biệt là giúp 4.718 lượt đối tượng lầm lỡ, ra tù về tái hòa nhập cộng đồng và đã có trên 80% số đối tượng tiến bộ, ổn định cuộc sống... Hội CCB tại 75 xã, thị trấn đã xây dựng 385 tổ, với 1.585 CCB tham gia lực lượng nòng cốt để sẵn sàng giải quyết những “điểm nóng” trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Hội CCB huyện Mộ Đức phối hợp xây dựng mới 4 mô hình câu lạc bộ “CCB bảo vệ ANTQ” ở xã Đức Phong, CLB “Phụ nữ không vi phạm pháp luật”, “Tổ CCB tham gia bảo vệ Tổ quốc” và mô hình “Khu dân cư tự quản về ANTT” ở xã Đức Lân, nâng tổng số lên 16 mô hình giữ gìn ANTT của huyện; tạo thành thế trận an ninh nhân dân rộng khắp trên địa bàn, động viên người dân nâng cao vai trò, trách nhiệm bảo vệ bình yên cuộc sống. Năm 2014, có 9 tập thể, 12 cá nhân được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào.
Hội CCB xã Bình Dương (Bình Sơn) vận động hội viên đóng góp công của để đắp đê ngăn mặn, làm đường, làm thủy lợi tổng giá trị 1,2 tỷ đồng. Việc làm của Hội đã cổ vũ nhân dân làm theo, hiến 1.200m2 đất, tham gia 10.000 ngày công và 10 tỷ đồng xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, an ninh nông thôn, góp phần cho xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Chi hội CCB thôn Gò Nay (xã Long Sơn, Minh Long) kiên trì vận động được 30 em bỏ học tiếp tục đến trường. Chi hội CCB làng Xinh (xã Sơn Linh, Sơn Hà) vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới, tạo không khí đoàn kết trong cộng đồng. Thuyền trưởng CCB Nguyễn Đức Vinh, thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) có 23 năm làm nghề đi biển ở Hoàng Sa. Nhiều lần bị tàu nước ngoài bắt giữ, đốt phá ngư cụ nhưng ông vẫn quyết tâm bám biển, phát triển kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; mỗi năm thu nhập trên 4 tỷ đồng, làm giàu cho gia đình và tạo việc làm ổn định cho 12 thuyền viên…
Quảng Ngãi là vùng đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá lâu đời, lại có hàng ngàn tấm gương Bộ đội Cụ Hồ, cùng với truyền thống anh hùng, lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân là những tiềm năng và nội lực để phát triển bền vững trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
Tô Kiều Thẩm