Thấm sâu đạo lý“Uống nước nhớ nguồn” (23/07/2010)

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc dù bận rất nhiều công việc để lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến và xây dựng đất nước, nhưng hàng năm cứ đến Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7), Bác Hồ đều gửi thư cho thương binh và gia đình liệt sĩ.

Vào dịp 27-7 năm nay, toàn Đảng, toàn dân ta có dịp nhìn lại những việc đã làm để đền ơn đáp nghĩa thương binh, liệt sĩ và củng cố quyết tâm làm tốt công tác này hơn nữa. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước ta có những bước phát triển mới cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm làm tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, đã ban hành Pháp lệnh về người có công với cách mạng và Pháp lệnh quy định về Bà mẹ VNAH với nội dung cơ bản là xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ VNAH và những người có công với nước, làm sao cho các gia đình thuộc diện chính sách này ở các địa phương có mức sống ngang bằng hay khá hơn mức sống trung bình ở địa phương cư trú. Từ đó, mà từng địa phương, cơ sở, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân đều có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình trong diện chính sách phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm cho họ có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Tính đến nay, cả nước có hơn 50 vạn thân nhân liệt sĩ, gần 60 vạn thương binh, bệnh binh, hơn 43 nghìn Bà mẹ VNAH (còn sống là 7.120 người), hơn 13 nghìn người có công với nước.

Hằng năm, Đảng, Nhà nước cùng toàn dân đã chi một số tiền rất lớn vào công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”, nhằm giúp đỡ các gia đình thuộc diện chính sách vượt qua khó khăn, đặc biệt là làm sao động viên họ phát huy ý chí tự lực, tự cường để vươn lên và làm gương giúp đỡ người khác cùng phát triển. Đến nay, hơn 40 tỉnh, thành phố đã xóa xong nhà tạm cho các hộ chính sách; gần 95% số hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở địa bàn cư trú; nhiều địa phương đã thực hiện đạt 100% số hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình trên địa bàn. Có 95% số xã, phường được công nhận là đơn vị làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cả nước đã chăm sóc tốt các gia đình thương binh, liệt sĩ, các Mẹ VNAH cũng như những người có công với nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã quy tập, sửa sang, nâng cấp 3.000 nghĩa trang liệt sĩ và hàng vạn công trình ghi công khác; xây hơn 300.000 nhà tình nghĩa; lập Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt 200 tỷ đồng; tặng hơn 60.000 sổ tiết kiệm, hàng vạn vườn cây, ao cá, giếng nước nghĩa tình giúp các gia đình chính sách; đào tạo và hỗ trợ việc làm cho hàng nghìn con em gia đình chính sách...

Có thể nói, phong trào này đã ăn sâu bám rễ và ngày càng phát triển trong xã hội ta. Hội CCB Việt Nam và nhiều tổ chức, địa phương, tập thể, cá nhân đã phát huy mọi điều kiện, khả năng của mình để làm nhiều việc tốt, đền ơn đáp nghĩa. Đây là những việc làm mang đậm chất nhân văn mà chúng ta rất trân trọng và tiếp tục phát huy. Thấm sâu đạo lý uống nước nhớ nguồn, chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác này nhằm thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã hy sinh, cống hiến cho đất nước để có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay.

CCB Việt Nam