Tham nhũng chính sách
Tham nhũng chính sách là chuyện rất cũ. Sử ký của Trung Quốc ghi, thời Xuân Thu Chiến Quốc, Phạm Lãi sau khi giúp Việt vương Câu Tiễn phục quốc, thấy vua có tướng phản phúc nên xin được bãi quan, cải tên, lánh đi nơi khác làm thương gia. Không lâu sau đó, ông trở thành “đại gia” nức tiếng nhưng có đứa con đi buôn ở nước Sở phạm tội giết người. Phạm Lãi sai người con cả mang 1.000 lượng vàng đi đút lót cho Tướng quốc nước Sở xin tha con mình.
Người con cả đến nước Sở gặp viên Tướng quốc, đưa vàng và ngỏ lời nhờ vả. Ông này nhận lời, bảo con Phạm Lãi cứ về, rồi vào tâu với vua Sở: “Gần đây trong nước có nhiều điềm thiên văn tai ương, xin nhà vua phóng thích tù nhân, làm điều phúc đức tránh tai hoạ”. Vua Sở nghe theo, bèn ban lệnh thả hết phạm nhân trong nước...
Câu chuyện kể trên cho thấy, ở đâu có quyền ban hành chính sách thì ở đó có tham nhũng chính sách. Tham nhũng gắn với quyền lực nên tham nhũng chính sách cũng vậy.
Nước ta trong những năm gần đây, cụm từ “tham nhũng chính sách” đã được nhắc đến ngày càng nhiều hơn, gắn liền với nó là công cuộc phòng, chống các “nhóm lợi ích”. “Tham nhũng chính sách” chỉ xảy ra ở những nơi có quyền ban hành chính sách, chủ yếu nhất là các cơ quan của Đảng, Nhà nước từ T.Ư đến địa phương. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã “tuyên chiến” với các tệ nạn này với các chủ trương “kiểm soát quyền lực”, “nhốt quyền lực trong chiếc lồng cơ chế”, “chống tham nhũng ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng”, “chống tham nhũng trong công tác tổ chức, cán bộ”...
Có thể nói, về nhận thức ở tầm vĩ mô, chúng ta đã nhìn thấy rõ mối quan hệ giữa các “nhóm lợi ích” với các cơ quan có quyền soạn thảo, ban hành chính sách từ T.Ư đến địa phương. Tuy nhiên, sự tham nhũng trong từng chính sách cụ thể thì vô cùng tinh vi, phức tạp. Nó có thể là sự tác động của “nhóm lợi ích” vào các dự án cụ thể; nhưng cũng có thể là sự can thiệp vào các dự án luật, nghị định, thông tư nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho một nhóm người nào đó. Có những sự tác động ở cấp địa phương rất nhỏ, như một dự án “đổi đất lấy hạ tầng” ở cấp quận, huyện nhưng mức độ tham nhũng cũng rất khủng khiếp. Đường đi của “tham nhũng chính sách” rất mềm mại, vòng vo nên rất khó để phát hiện và khi phát hiện ra thì không dễ để đấu tranh.
Những ngày gần đây, dư luận cả nước khá bức xúc khi Bộ NNPTNT cùng Bộ Khoa học và Công nghệ công bố dự thảo TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là ví dụ điển hình về tham nhũng chính sách. Những người làm chính sách dù vô tình hay hữu ý đã định dùng văn bản nhà nước để bóp nghẹt người làm nước mắm truyền thống. Từ nắm bắt dư luận, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản truyền đạt yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về dự thảo nước mắm không được để ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất của nước mắm truyền thống. Sự việc tuy chưa kết thúc nhưng có thể thấy rõ, nhờ quyền lực của truyền thông, thông qua báo chí và mạng xã hội đã ngăn chặn được một văn bản có dấu hiệu “tham nhũng chính sách”.
“Tham nhũng chính sách” gây nên những hậu quả rất khủng khiếp. Trên thế giới, người ta thường nhắc đến câu chuyện “qua một đêm thành tỷ phú” ở nước Nga thời Tổng thống En-xin. Chính sách cổ phần hóa các doanh nghiệp bị các nhóm lợi ích thao túng đã khiến cho nước Nga thời kỳ này hỗn loạn đến mức bên bờ vực tan rã. Ở nước ta, con đường cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước tuy được kiểm soát chặt chẽ nhưng không phải là không có kẽ hở. Những vị giám đốc đứng đầu doanh nghiệp nhà nước khi nắm được chủ trương và tiến trình cổ phần hóa đã cố tình làm ăn thua lỗ cùng nhiều chiêu thức, mánh mung khác khiến doanh nghiệp mất giá thê thảm để rồi chính họ qua một phiên đấu giá đã “bỏ túi” doanh nghiệp từ của công thành của riêng. Gần đây, vụ thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bị đánh giá mức “0 đồng” khi cổ phần hóa đã khiến giới văn nghệ sĩ vô cùng giận dữ. Những vụ việc “giải phóng mặt bằng” hộ doanh nghiệp của chính quyền cấp huyện, cấp tỉnh đang khiến đất đai trở thành lĩnh vực gây ra nhiều “điểm nóng” ở cơ sở.
Kinh nghiệm hay nhất trên thế giới cũng như ở Việt Nam khi phòng, chống tham nhũng chính sách là sự công khai, minh bạch. Đã từng có những kiến nghị cho rằng, nên để Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp trực tiếp soạn thảo các dự án luật và các chính sách của địa phương. Tuy nhiên, không ai bảo đảm rằng, việc chuyển giao trên sẽ bảo đảm chính sách không bị tham nhũng. Hơn nữa, thực tiễn điều kiện của Quốc hội và HĐND các địa phương chưa đảm đương được việc này. Ngoài ra, nếu để Quốc hội, HĐND các cấp soạn thảo các dự án luật, chính sách thì ai sẽ là người giám sát, phản biện. Tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” sẽ tái diễn ngay trong quá trình ban hành chính sách. Vì lẽ đó, công khai, minh bạch ở mọi cấp, mọi ngành, ngay từ khi bắt đầu chuẩn bị soạn thảo các dự án luật, nghị định, thông tư và các văn bản chính sách khác từ T.Ư đến cơ sở là điều rất có ý nghĩa nhằm phòng, chống “tham nhũng chính sách”.
Công khai, minh bạch là điều mà các “nhóm lợi ích” ngán nhất. Người dân, những người trực tiếp thụ hưởng các chính sách từ các cơ quan công quyền, cần nắm chắc “vũ khí” này để việc phòng, chống “tham nhũng chính sách” thu được hiệu quả đề ra.
Nguyễn Hồng