Thăm lại những cung đường lửa (14/07/2010)
69 người thay mặt cho 1.500 chàng trai cô gái Hà Nội ra đi năm 1965 ấy, đã tham gia cuộc hành hương này. Bây giờ, nhiều anh chị đã lên ông, lên bà rồi, song vẫn tươi vui, hăm hở lắm. Đó, chị Hoàng Kim Vinh, ngày ấy, vì “miền Nam ruột thịt”, đã gửi con trai hai tuổi cho bà ngoại nuôi, để có mặt trong Tổng đội thanh niên xung phong này; chị Dương Thị Vịn, bỏ giấy gọi đi học nước ngoài, cùng chị Vinh ra tuyến lửa; Đại đội trưởng Nguyễn Văn Lệnh, ba lần bị bom Mỹ hất tung, tỉnh dậy, lại tiếp tục chỉ huy đồng đội cứu xe, cứu đường. Rồi các chị Đinh Ánh Vượng, Nguyễn Thị Hương viết đơn tha thiết xin đi, nhưng chưa đủ tuổi, không đủ cân, đã khai tăng tuổi, mặc thật nhiều quần áo, để “lừa” các anh chị trong Ban khám tuyển ở Thành đoàn… Hơn 40 năm trước, những người này ngày đêm bám sát những con đường ra mặt trận, trải bao thử thách, hy sinh, song họ đã vượt qua mọi gian nguy, bảo đảm an toàn cho các đoàn xe vận tải, các đoàn quân, tiến vào mặt trận...
Tới Nghệ An, đoàn dừng lâu ở Khu quản lý đường bộ 4 (trước đây là Cục Công trình 1 - cơ quan chủ quản của Tổng đội N43). Đón đoàn, ông Đạo - Phó tổng giám đốc Khu quản lý đường bộ 4, xúc động ôn lại những kỷ niệm thời các trai gái Thủ đô sống với Cục Công trình. Ông khẳng định những cung đường 15A, 15B, đường 20, đường 22 là những tuyến giao thông chiến lược được xây dựng ở vùng trọng điểm Khu 4, có sự đóng góp rất lớn của Tổng đội N43. Ông bùi ngùi nhắc đến hơn 40 chiến sĩ TNXP Hà Nội đã nằm lại trên các tuyến đường này…
Đến Hà Tĩnh, ông Phạm Công Trân, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, đã ra tận ngã ba lối rẽ vào xã Kỳ Lâm, chờ đón đoàn. Ông báo tin: Toàn bộ mộ các liệt sĩ TNXP đã được chính quyền địa phương và nhân dân quy tập ra NTLS huyện, chứ không còn ở Kỳ Lâm nữa. Ông Trân nghẹn ngào: “Nhân dân Hà Tĩnh chúng tôi luôn ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ TNXP Thủ đô. Các anh, các chị cứ yên tâm, chúng tôi hứa sẽ chăm sóc chu đáo những phần mộ đang đặt tại đây”. Và ông đi trước dẫn đoàn tới dâng hương tưởng niệm tại nghĩa trang. Ở đây, các cựu TNXP đã tìm thấy 12 ngôi mộ đồng đội được xây cất to đẹp. Đó là các liệt sĩ Nguyễn Văn Thông, Hoàng Văn Thụ, Vũ Thị Sinh, Phạm Thị Thuận… Bao kỷ niệm xưa lại dội về. Bên mộ Vũ Thị Sinh, bạn bè của chị không ai cầm được nước mắt. Họ quên sao được hình ảnh cô gái Hà Nội xinh đẹp, hứa hôn với một anh bộ đội, hẹn nhau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, trở lại Thủ đô, sẽ tổ chức lễ cưới. Ở tuyến lửa thật gian khổ, Sinh vẫn hồn nhiên, yêu đời, hay hát, lại kể chuyện rất có duyên. Hôm nay, bên mộ Sinh, ngoài đồng đội thân thương còn có cả người anh trai (anh Vũ Đức) mà lúc Sinh lên đường đi TNXP, anh không tiễn Sinh được, để bây giờ cứ khóc nấc lên vì hối hận… Bên cạnh tôi, một giọng nữ khóc to, nức nở: “Sinh ơi! Hơn 30 năm tao mới được về đây gặp mày. Tao vẫn nhớ những lúc hai đứa cùng đi hái hoa rừng; nhớ những bài hát mà mày hát cho mọi người nghe; nhớ những lúc đói, khát nhường nhau từng nắm cơm, hụm nước…”.
Rời NTLS Kỳ Anh, xe chạy về xã Kỳ Lâm để mọi người thăm lại nơi mình đã ở, thăm lại tuyến đường 22 lịch sử. Lại xúc động, lại nước mắt khi đoàn gặp những cô bác, anh chị, những người dân đã từng cưu mang giúp đỡ họ thủa chiến tranh. Lại những nồi sắn luộc, bát nước chè xanh như ngày nào. Họ vừa ăn, vừa tíu tít nhắc lại những kỷ niệm cũ, nhớ lại những lúc bom đạn, ốm đau và họ lại khóc vì nhớ thương những gương mặt không còn. Giờ tạm biệt, chủ và khách đều lưu luyến, nước mắt lưng tròng, cố níu lại những giây phút hiếm hoi, và cùng hẹn, cùng mong sớm có ngày gặp lại.
Ngày hôm sau, đoàn tiếp tục cuộc hành hương vào NTLS giao thông nằm trên đất An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình - nơi cũng có bạn bè họ nằm lại. Ở đây, các cựu TNXP Thủ đô lại tìm thấy bốn ngôi mộ đồng đội: Hoàng Lộc, Vũ Trường Xuân, Lê Thị Kim Liên, Lê Minh Tâm. Đặt lên mộ những nén hương và bó hoa rừng, bao hình ảnh lại sống dậy… Hoàng Lộc - người đội trưởng đội cảm tử của đại đội xung kích Thăng Long, là một chàng trai tài hoa. Anh làm thơ rất hay, lại có nhiều sáng kiến trong tháo gỡ bom nổ chậm. Đồng đội vẫn thuộc lòng những bài thơ anh sáng tác. Trong nước mắt, họ lại đọc những bài thơ đó viếng anh…
Chặng cuối, đoàn tới NTLS Trường Sơn. Trong tổng số 10.326 liệt sĩ ở đây, Hà Nội cũng có tới 240 người. Thay mặt gia đình các liệt sĩ, đoàn đã dâng hương tưởng niệm hồi lâu những người đã hy sinh vì sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Trên đường trở về, đoàn còn vào Nghĩa trang Quảng Xuân (Quảng Bình) mà lượt đi chưa tới được… Tại đây, đoàn lại tìm thêm được bốn ngôi mộ bạn bè cũ. Như vậy, đoàn đã tìm thấy 29 mộ đồng đội đã hy sinh dọc dải đất miền Trung. Vừa vui, vừa xúc động, anh Mai Xuân Chung nói: “Không ngờ chuyến đi thành công quá. Biết bao gia đình, thân nhân liệt sĩ đang cháy lòng chờ tin của chúng ta… Tìm thấy nhiều mộ đồng đội và được thắp lên đó những nén nhang tưởng nhớ, là mãn nguyện lắm rồi…”.
Về đến Hà Nội, đoàn mới thấy chuyến đi ngắn quá! Ai cũng luyến tiếc những ngày vừa qua, thấy sâu nặng hơn nghĩa tình đồng đội, nghĩa tình Trường Sơn, kỷ niện cũ thêm khắc dấu đỏ trong tim mỗi người…
Nguyễn Phúc Thành