Thăm Dinh Đốc Binh Vàng ở Đồng Tháp
Từ cổng (cũ) vào có tấm bảng lớn đề: “Dinh Đốc Binh Vàng”, dưới cổng có đôi liễn đối: “Trần Ngọc trinh trung thiên cổ tại/ Thượng tướng oai linh vạn thế tồn”.
Từ cổng (mới) vào có tấm bảng lớn đề: “Đền thờ Thượng tướng Quận công Trần Văn Năng”, dưới cổng có đôi liễn đối: “Thượng tướng oai linh thiên niên tại/ Quận công khí dũng vạn thế tồn”.
Trong sân Dinh có tượng Thượng tướng Trần Văn Năng thật uy nghi, bề thế được xây dựng bằng đá granit cao 4,2m nặng 40 tấn.
Vào Dinh thờ, nơi bàn chính có bài vị: “Trần Ngọc Thượng tướng Quận công”. Trong dân gian có truyền tụng đền thờ Ông đã được gìn giữ, tôn tạo, trùng tu ngày càng to rộng, hương khói nghi ngút… Dinh thờ ngày xưa chỉ là một ngôi miếu nhỏ ghi nhớ công lao của Đốc Binh Vàng - người lập thành tích đánh phá giặc Xiêm ở sông Cổ Hủ, Vàm Thuận (Vàm Nao) dưới triều Minh Mạng. Lúc hay tin thành Châu Đốc thất thủ, Ông đã cho đốt thuyền chở đầy lương thực không cho rơi vào tay giặc. Thấy bậc trung liệt, Vua thương tiếc sắc phong tướng Quận công-nhân dân lập miếu thờ…
Xem “Đại Nam Thực Lục” và “Đại Nam Liệt Truyện” được biết: Đốc Binh Vàng có tên là Trần Văn Năng, sinh năm Quý Hợi (1763), quê ở làng Vĩnh Điểm, phủ Diên Khánh, huyện Vĩnh Xương (tỉnh Khánh Hòa ngày nay). Ông có sức vóc cao lớn và võ nghệ cao cường, theo phò Chúa Nguyễn rất sớm, lập được nhiều thành tích được thăng chức Vệ Uý rồi Đô Đốc chế… Ông phụng mệnh dưới triều Gia Long, khi vào Nam, lúc ra Bắc giữ vững biên thùy, mở rộng bờ cõi. Năm 1812, khi giặc Xiêm xâm lấn Chân Lạp, Trần Văn Năng được sung chức Chấn Vũ quân Phó tướng đem quân trấn giữ biên giới, đắp đồn lũy canh phòng nghiêm ngặt. Quân Xiêm thấy thế mạnh của Ông kinh hồn, bạt vía không dám xâm phạm biên cương, uy hiếm biên giới nước ta nữa.
Đến triều Minh Mạng, ông là Chưởng Tiền quân Ấn vụ kiêm Lĩnh Thị vệ Đại thần. Năm 1822, ông được vua giao huy động nhân sự sửa chữa Thái Miếu. Năm 1824, ông được cất nhắc chức Phó tổng trấn Gia Định thành, góp phần quan trọng cùng Thoại Ngọc Hầu tổ chức mộ dân phu đào kênh Vĩnh Tế, sau thăng Tiền quân Thống chế, Chưởng doanh kiêm Quyền Lĩnh Thương bạc.
Năm Giáp Ngọ (1834), ông được phong làm Bình Khẩu tướng quân thống lĩnh quân đội cùng các Tham Tán Trương Minh Giảng, Hồ Văn Khuê, Nguyễn Xuân, Phạm Hữu Tâm, Trương Phúc Đĩnh… đánh đuổi quân Xiêm xâm phạm biên cương nước ta. Ông khéo vận dụng mưu lược phá tan thế mạnh của giặc ở Cổ Hủ, Vàm Thuận, giết được tướng giặc là Phi Nhã Khổ Lạc cùng nhiều tên chỉ huy khác… Xin trích dẫn một đoạn mà lịch sử triều Nguyễn đã ghi lại cuộc chiến đấu trên sông Cổ Hủ: “…Giặc nhân lúc nước xuống, theo bờ sông phóng hỏa đốt bè nhằm ngăn trở thủy quân ta, rồi chúng sấn tới đánh. Quản Vệ Phạm Hữu Tâm dốc binh đánh từ giờ Dần đến giờ Tý (tức 3 giờ sáng đến 10 giờ trưa) quân giặc chết nhiều, thây chồng lên nhau, giặc liền rút lui…”.
Năm 1835, tướng quân Trần Văn Năng thọ bệnh, giao binh quyền cho Trương Minh Giảng để lui về dưỡng bệnh. Trên đường trở về Gia Định, đến bến Siêu (Cù lao Tây) thì ông trút hơi thở cuối cùng (thọ 72 tuổi). Di hài ông được quàn tạm ở Vàm rạch Đốc Vàng rồi theo đường bộ đưa về Huế cử hành lễ mai táng vô cùng trọng thể. Nhà vua ban chiếu truy tặng Ông chức Thái Phó, tấn phong làm Tân thành Quận Công, thụy là Trung Dũng, trọng thưởng nhiều vàng bạc, gấm lụa… Chính đích thân vua Minh Mạng đến viếng tang, đề thơ khen tặng, ban chức tước cho hai con trai Ông…
Đảng bộ, chính quyền và Phòng VHTT huyện Thanh Bình phối hợp với các ngành chuyên môn tỉnh Đồng Tháp và nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc toạ đàm, hội thảo về thân thế và sự nghiệp của danh tướng Trần Văn Năng tại Dinh Đốc Binh Vàng! Có một truyền thuyết về sự linh ứng của Ông được nhân dân nơi đây biết đến và lưu truyền là: Trước sự xâm thực của nước lũ cùng với quy luật của dòng sông bên lở, bên bồi mà bờ sông, nơi Dinh thờ của Thượng tướng cứ sụp lở dần... Đến một ngày, nước cuốn phăng đất đá sát Dinh thờ, nhân dân lo lắng tế lễ cầu xin để được di dời ngôi đền đến một nơi khác an toàn hơn. Nhưng xin không được, mà hiện tượng nước lũ mênh mông chảy xiết như muốn cuốn trôi cả ngôi đền. Lạ thay, sau đó không lâu vùng đất bị trôi mất lại được bồi đắp dần... đất đá đùn lên ngày càng cao, vươn rộng ra như có hàng trăm, hàng nghìn chiến binh gánh đất đá bồi lấp khoảng trống bị nước vừa cuốn trôi... Từ đó, Dinh ông trở nên bề thế, vững chắc, hiên ngang và dần dồn nước ra xa, xa mãi đến ngày hôm nay. Năm tháng qua đi, từ thế hệ này sang thế hệ khác, lòng người dân trung kiên vẫn nhớ công lao vị anh hùng dân tộc nên đã tu tạo, từ ngôi thờ nhỏ nay trở thành Dinh ông Đốc Vàng to lớn tọa lạc trên vùng đất Tân Thạnh, Thanh Bình, Đồng Tháp.
Đầu năm 2004, Dinh thờ danh tướng Trần Văn Năng đã được Bộ VHTT công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia… Dinh đã được trùng tu xây mới thật khang trang, thoáng rộng nằm cạnh bên con Rạch Đốc Vàng uốn quanh-thơ mộng. Chính quyền địa phương đã đầu tư kinh phí nâng cấp nhiều hạng mục công trình cầu, đường giao thông… tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến tham quan, du lịch và tổ chức lễ hội, du khảo về nguồn tìm hiểu lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trên địa bàn thị trấn, trung tâm huyện Thanh Bình đã có nhiều cây cầu, tuyến đường chính và Trường THPT đều mang tên ông Trần Văn Năng! Tập tục lễ hội vào các ngày từ 15 đến 17-2 âm lịch hằng năm gồm các nghi thức chính yếu như: Lễ trình Sanh; lễ Túc Yết (đọc văn tế cầu Quốc thái dân an); lễ xây Chầu trước chính điện, có đoàn hát bộ diễn tuồng… cùng nhiều trò chơi dân gian như: Biểu diễn võ thuật, kéo co, đô vật… thật sôi nổi, hấp dẫn.
Vào rằm tháng 2 hằng năm là lễ giỗ Thượng tướng Trần Văn Năng; không chỉ có người dân địa phương mà có rất đông nhân dân ở các tỉnh, thành phố khác đến thành kính dâng hương, hoa, lễ vật… tỏ lòng tri ân vị tướng quân yêu nước và cầu nguyện cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, đời sống người dân được ấm no, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng.
Trần Trọng Trung