Thái Bình:Vì sao một số cổ đông Công ty CP Điện tử Thái Bình khiếu kiện dai dẳng?
Khiếu kiện tranh chấp mua bán cổ phần?
Theo đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Bùi Trọng Khởi, cổ đông của Công ty CP Điện tử Thái Bình và ông Phạm Mạnh Phi, thương binh hạng 3/4 cùng một số cổ đông khác gửi Báo CCB Việt Nam thì tiền thân của Công ty CP điện tử Thái Bình là Xí nghiệp điện thông Việt Đức (thành lập năm 1978), sau đó, đến năm 1995, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định 525/QĐ-UB chuyển Xí nghiệp điện thông Việt Đức thành Công ty điện tử Thái Bình, là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Sở Công nghiệp Thái Bình. Ngày 2-1-2004, thực hiện chủ trương cổ phần hóa (CPH), UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định số 07/QĐ-UB giao kế hoạch sắp xếp chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước. Đến tháng 3-2005, lãnh đạo Công ty điện tử Thái Bình khi đó là ông Dương Văn Minh, tiến hành xây dựng phương án CPH.
Theo phương án CPH, vốn điều lệ của công ty chốt tại thời điểm này là 2,8 tỷ đồng. Số cổ phần được chia thành 280.000 cổ phần (CP), mệnh giá 1 CP là 10.000 đồng. Số lao động của Công ty trước khi CPH cũng được chốt lại danh sách 128 lao động; trong đó có 120 lao động dài hạn, còn lại là ngắn hạn.
Về cơ cấu vốn điều lệ được xác định CP nhà nước còn 0%; CP bán ưu đãi cho người lao động trong Công ty là 224.000 CP, chiếm 80% và CP bán đấu giá công khai là 56.000 CP, chiếm 20%.
Sau khi xây dựng phương án CPH trình UBND tỉnh Thái Bình quyết định, ngày 1-2-2005, toàn thể CBCNV Công ty điện tử Thái Bình tiến hành họp đi đến thống nhất thực hiện CPH. Trong danh sách CBCNV đăng ký tham gia mua CP lên tới 119 người. Ông Bùi Trọng Khởi được mua ưu đãi 2.015 CP (tương đương số tiền 20.150.000 đồng), trong đó số tiền được ưu đãi là 8.060.000 đồng.
Cũng giống như ông Khởi, nhiều CBCNV công ty đăng ký mua CP, được quy đổi theo năm công tác. Cụ thể người công tác nhiều năm nhất là 34 năm được mua 2.537 CP; người công tác ít năm nhất là 17 năm được mua 1.268 CP. Tại Hội nghị ngày 1-2-2005 còn xác định cổ đông sáng lập có từ 2.000 CP trở lên.
Tuy vậy khi phương án CPH được thực hiện, số lao động giữ lại chỉ còn 25 người, 103 người không còn nhu cầu sử dụng, được Công ty làm các thủ tục giải quyết chế độ chính sách… Trong danh sách mua CP, ông Bùi Trọng Khởi cũng như một số CBCNV (hiện đã và đang thuê, sử dụng quầy hàng của Công ty CP điện tử Thái Bình) sau khi mua CP đã trở thành cổ đông sáng lập của Công ty.
Theo ông Bùi Trọng Khởi cũng như một số cổ đông cho biết, kể từ sau CPH đến năm 2015, Công ty hoạt động mà không hề có sổ cổ đông.
Về vấn đề này, các cổ đông đã có đơn gửi Sở KHĐT tỉnh Thái Bình xem xét, giải quyết từ năm 2012. Còn ông Phạm Mạnh Phi-thương binh 3/4 cho biết: “Nhiều lần các cổ đông đề nghị ông Sơn cung cấp sổ cổ đông nhưng ông Sơn không cung cấp. Do đó, khi không có sổ cổ đông thì cổ đông không biết Công ty hoạt động như thế nào, chia cổ tức ra sao. Thêm nữa, phương án mua CP năm 2005, người mua nhiều nhất chỉ có hơn 2.000 CP, nhưng ông Lưu Minh Sơn lại mua được tới hơn 48.000 CP. Vậy số CP này ông Sơn mua của ai, trong khi quy định của Điều lệ là phải 3 năm sau các cổ đông mới được chuyển nhượng CP? - thương binh Phạm Mạnh Phi đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của PV Báo CCB Việt Nam về vấn đề trên, ông Đinh Ngọc Tuấn-Trưởng phòng ĐKKD của Sở KHĐT tỉnh Thái Bình cho rằng đây là vấn đề nội bộ của các cổ đông với công ty được giải quyết theo quy định của pháp luật, chứ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Phòng ĐKKD...
Những điểm phi lý cần làm rõ!
Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) loại hình công ty CP do Sở KHĐT tỉnh Thái Bình cấp lần đầu và đăng ký thay đổi lần thứ nhất ngày 8-7-2005, Công ty CP điện tử Thái Bình có 18 ngành nghề được đăng ký hoạt động. Vốn điều lệ của công ty là 2,8 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm: ông Lưu Minh Sơn có 48.727 CP; ông Dương Văn Minh có 9.103 CP; ông Đỗ Minh Tuyên có 2.000 CP và số cổ đông còn lại là 118.155 CP. Tại giấy ĐKKD lần đầu này, người đại diện pháp luật của công ty là ông Lưu Minh Sơn - chức danh Chủ tịch HĐQT.
Tuy nhiên, trong 18 ngành nghề đăng ký không thấy có ngành nghề nào được đăng ký cho “thuê… quầy dịch vụ”! Dù vậy sau CPH, ban lãnh đạo Công ty CP điện tử Thái Bình vẫn tiến hành cho một số cổ đông thuê lại quầy dịch vụ mà không trực tiếp sử dụng để kinh doanh như các lĩnh vực đã đăng ký với Nhà nước. Trong số người thuê lại quầy dịch vụ có ông Bùi Trọng Khởi và một số cổ đông khác như bà Hà, bà Liên bà Thùy đều là những cổ đông của Công ty… Thời hạn các hợp đồng cho thuê được hai bên giao kết đến năm 2010.
Cụ thể như Hợp đồng kinh tế số 10/HĐKT ký ngày 1-11-2005, giữa ông Khởi với Công ty CP điện tử Thái Bình, thể hiện diện tích quầy hàng thuê là 32m2, đơn giá thuê 1 tháng là 1,3 triệu đồng, thời hạn thuê 5 năm.
Như vậy, trong ĐKKD không có chức năng cho thuê cửa hàng, quầy dịch vụ nhưng lãnh đạo Công ty CP điện tử Thái Bình vẫn tiến hành ký hợp đồng cho thuê liệu có đúng quy định của pháp luật? Một số cổ đông cũng đặt câu hỏi: Số tiền thu được từ việc cho thuê quầy dịch vụ có được nộp thuế cho Nhà nước hay đã trốn thuế trong những năm qua?
Điều lạ nữa, tại bản Hợp đồng kinh tế số 10/HĐKT, phía Công ty CP Điện tử Thái Bình do ông Lưu Minh Sơn-Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty làm đại diện ký hợp đồng còn có “giao kết” buộc bên B (tức cổ đông Bùi Trọng Khởi) nộp các khoản tiền BHXH và BHYT tương đương 23% lương cơ bản và 2% phí Công đoàn…!
Dù những điều phi lý của bản hợp đồng là vậy, nhưng sau khi ký kết, các hộ vẫn tiến hành kinh doanh ổn định đến năm 2010 mà không hề phát hiện ra. Sau khi phía Công ty nhiều lần thỏa hiệp đề nghị trả lại quầy dịch vụ khi hết hạn hợp đồng, nhưng các cổ đông không trả, nên năm 2014, Công ty đã khởi kiện ra tòa án.
Được biết, vụ kiện Tòa đã tuyên án và thời điểm xét xử chỉ có nguyên đơn tham gia vụ kiện. Hầu hết các cổ đông (phía bị đơn) vắng mặt, không tham gia khi xét xử. Sau khi có bản án, Chi Cục THA dân sự TP. Thái Bình gấp rút các bước để thi hành bản án. Đến thời điểm hiện tại các hộ thuê quầy dịch vụ vẫn cố thủ, không chịu bàn giao và tiếp tục khiếu kiện cấp cao hơn… Ngày 25-12-2015, do không bàn giao trả quầy, các hộ kinh doanh đã bị phong tỏa bằng một hàng rào tôn quây kín phía trước mặt tầng 1 để đảm bảo an toàn cho người dân qua lại do phía Công ty phá dỡ ở phía trên (tầng 2, 3). Tuy vậy, một số hộ dân vẫn tiến hành bán hàng phía dưới và do bị tôn quây kín nên người đến mua hàng vắng như chùa bà đanh (xem ảnh)…
Liên quan đến việc cho thuê quầy dịch vụ và bản án của TAND TP. Thái Bình tuyên có thấu lý đạt tình và việc sử dụng đất của Công ty CP Điện tử Thái Bình trong những năm qua ra sao, Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục tìm hiểu, thông tin tới bạn đọc khi có trao đổi đa chiều với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp...
Chính Nhi