Tết Trung thu: Tản mạn… viết cho thiếu nhi
Cứ đến tết Trung thu hay ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6) là tôi lại lan man nghĩ về viết cho các em. Với tôi, bây giờ viết cho con trẻ khó hơn ngày xưa. Phần vì tuổi tác, vì cảm xúc không còn tươi mới như ngày nào; phần vì tác động của các yếu tố xã hội và nghề nghiệp. Nhưng, viết cho các em vẫn có cái thích thú riêng, nên tôi vẫn cầm bút. Viết để nuôi cảm xúc, viết để giữ nghề và viết vì con trẻ. Tôi mới hoàn thành bản thảo tập thơ thiếu nhi “Cá Bống chào chị Bống!” Tập thơ gồm 12 bài thơ ngắn và một truyện thơ 500 câu. Tôi cố gắng cập nhật, chuyển tải đề tài môi trường đang hiện nay. Truyện thơ miêu tả chuyến chu du của cá Bống thoát ra khỏi con sông bị ô nhiễm để về với dòng nước trong sạch hiếm hoi. Thơ thiếu nhi cũng có thể đề cập theo cả chiêng vấn đề người lớn đang đối mặt: Ô nhiễm môi trường.
Ngày còn trẻ, vào những năm 70-80 thế kỷ trước, tôi viết được nhiều cho các em. May mắn cho tôi và cho các nhà văn, nhà thơ hồi đó, là không khí sáng tác, đội ngũ viết cho thiếu nhi đông vui. Mà báo nào cũng có trang văn nghệ dành cho các cháu, gồm thơ, văn, tranh, nhạc, họa… đủ cả. Vì vậy, các tác giả luôn có nơi để gửi bài, luôn có “đất” để “canh tác” và cũng có nhiều cơ hội để bài được đăng tải, tác giả đến được với các em qua tác phẩm. Trong các báo, tôi lại hay được đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Chả là tôi hay viết về các chú bộ đội. Hơn 20 năm rồi mà tôi vẫn nhớ lần Báo Quân đội nhân dân đăng bài thơ “Chú cóc màu xanh”, nói về chiếc ba lô đậu trên lưng chú bộ đội ngộ nghĩnh đáng yêu như chú cóc: Mặc cái áo màu xanh/ Màu của rừng của núi/ Bụng cóc luôn căng phông/ Đựng chật đầy cả túi/ Theo chú lội qua suối/ Nhảy lên tường vào đồn/ Đường xa chân cóc mỏi/ Ngồi nghỉ dưới bóng râm …Ơi này chú cóc xanh/ Lầm lì và ít nói/ Dáng đứng thật hiền lành/ Trên lưng chú bộ đội. Những năm chống Mỹ, cứu nước, các chú bộ đội thường dựng nhà bạt dã chiến giữa cánh đồng. Một hình ảnh trên đường tới trường các cháu thường gặp. Tôi đã viết bài “Ngôi nhà của chú bộ đội”, cũng đăng trên Báo Quân đội nhân dân nhân ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6). Giờ đọc bài thơ tôi vẫn nghe thấy tiếng cá búng động gốc lúa, tiếng con nhái bén phồng mồm gọi mưa. Bài thơ có đoạn: “Chú bảo ở đây/ Đêm hè thích lắm/ Hương lúa ùa đầy/ Thơm như quả chín/ Tha hồ mà ngắm/ Trăng non trăng già/ Thương con nhái bén/ Phồng mồm gọi mưa!”. Ở trong ngôi nhà như thế thì ai bảo đời lính không nhẹ nhõm, không lãng mạn!
Các báo khác, hay Nhà xuất NXB Kim Đồng luôn đón chào các nhà văn viết cho thiếu nhi. Đài phát thanh cũng vậy, văn thơ lên sóng rất hay, rất đẹp. Nhờ thế, các lớp nhà văn, nhà thơ viết cho con trẻ cứ nối tiếp nhau, nhiều tài năng xuất hiện. Nền văn học thiếu nhi vì thế mà hình thành và phát triển. Tôi đã chọn hơn 30 bài đưa vào tập thơ “Đại dương hình chữ nhật”, do NXB Thanh niên ấn hành năm 1998. Trong tập thơ này có bài “Dàn đồng ca mùa hạ”, được nhạc sĩ Lê Minh Châu phổ nhạc và được bình chọn là một trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX, cuộc bình chọn do báo Thiếu niên tiền phong phối hợp với Đài THVN, Đài TNVN và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tổ chức năm 1999. Bài hát “Dàn đồng ca mùa hạ” đã được đưa vào sách giáo khoa Âm nhạc lớp 5 từ năm 2006. Tôi tâm đắc: Cứ dành thời gian, công sức sáng tác cho tuổi thơ, thể nào cũng được bù đắp.
Lớp người viết cho thiếu nhi đông đảo năm nào giờ đã lớn tuổi. Họ ít khi gặp nhau, không mấy dịp đàm đạo về viết cho các cháu nhỏ, bàn luận về văn học thiếu nhi. May thay, giữa các “khoảng lặng” đó, các nhà văn,nhà thơ tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, vẫn có thể “gặp” nhau qua cuốn Từ điển “Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam” của NXB Từ điển bách khoa năm 2006. Công trình này dày 906 trang, tập hợp gần đủ các gương mặt viết cho con trẻ, từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Vũ Cao, Định Hải đến Hoàng Cầm, Phùng Quán, Ngô Thụy Miên, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyên Minh Nguyên… có thể được xem như một “thư viện” thu nhỏ về văn học thiếu nhi Việt Nam.
Tôi hiểu, không thể đòi hỏi người viết cho thiếu nhi hôm nay và bạn đọc hôm nay theo “tiêu chí”của hôm qua. Mỗi thời mỗi khác, Nhưng, vẫn có một điểm chung về viết cho thiếu nhi của các thời khác nhau: Người viết có động lực, niềm vui sáng tác và người đọc còn niềm vui đọc sách. Đôi dòng tản mạn về viết cho con trẻ của tôi là hoài niệm. Nó an ủi lòng tôi, tuyệt nhiên không đề cao gì ở đây. Bởi, như người xưa đã nói: “Lập thân tối hạ thị văn chương”mà. Nói “an ủi”từ những gì mình làm được, từ không khí “ấm áp”vẫn còn đâu đây, trên trang sách của mình, của bè bạn, trên trang Từ điển tác giả thiếu nhi này.Và vì tôi được biết, 10 năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam (NVVN) đã giải thể Ban Văn học thiếu nhi của Hội. Hội viên thuộc lĩnh vực văn học này đã cảm nhận cảnh “bơ vơ” nghề nghiệp! Lẽ ra văn học thiếu nhi phải được quan tâm, ưu ái nhất thì hóa ra lại bị “bỏ rơi”, chí ít là về tổ chức của Hội! Hình như Hội NVVN đã nhận ra “sai lầm”, nên đang rục rịch cho khôi phục Ban Văn học thiếu nhi. Tôi mong câu “Tất cả vì tương lai con em chúng ta” không phải là khẩu hiệu, hình thức, cả trong văn học thiếu nhi.
9-2015
Nguyễn Minh Nguyên