Tết năm nay, thiên nhiên đất trời như dành mọi ưu ái cho con người. Cũng vì vậy mà bức tranh quê ngày tết sáng hơn, đẹp hơn muôn phần. Rảo một vòng quanh làng, nhà nào cũng thấy sắm sửa rậm rịch; gặp ai cũng thấy tươi tắn, rạng ngời. Có trải qua những nhọc nhằn, khốn khó ngày nào mới thấy hết sự đổi thay của đất và người quê ngày tết.
Cái mới mẻ trước tiên là chuyện tàu xe đi về. Thế hệ hôm nay khó mà tưởng tượng nổi cảnh tàu xe ngày tết cách đây vài chục năm. Khi đó để có được một tấm vé tàu Hà Nội - Vinh, có năm tôi và em tôi phải thay nhau xếp hàng "rồng rắn" một ngày một đêm; xếp hàng ngồi, rồi vừa lết vừa bò hơn một cây số từ giữa phố Quán Sứ ra đến điểm bán vé của ga Hà Nội. Trong hàng nếu ai quá mỏi chân phải đứng dậy, liền được một chú công an cầm dùi cui ấn xuống, vì nếu tất cả đều đứng thì đám đông sẽ trở thành một cuộc biểu tình khổng lồ, khi đó ai cũng có thể bị bật ra ngoài hàng và chuyện về tết đành gác lại năm sau. May mắn có tấm vé, đâu đã hết nhọc nhằn! Lên được tàu chẳng khác gì nêm cối, ai ngồi đâu ngồi đó, đứng đâu đứng đó. Đã có lần tôi chỉ đứng được một chân, suốt cả hành trình của đoàn tàu gần một ngày một đêm từ Hà Nội vào Vinh.
Nhắc chuyện ngày xưa để thấy cái sung sướng của bây giờ. Tết nay, đường cao tốc từ Hà Nội đã nối thông tới Ninh Bình, còn đường số 1 được nâng cấp vào quá Hà Tĩnh, nên xe khách xuất phát từ Hà Nội sáu rưỡi sáng mà quá trưa tôi đã có mặt ở quê Hà Tĩnh; toòng teng một cặp xách tay, chẳng khác gì xuất ngoại trở về. Khỏi phải tay xách nách mang, tất cả đều có ở chợ quê.
Nhớ lại những ngày quê nhà "đói nghèo trong rơm rạ", rất nhiều người đi chợ tết không phải mua sắm thịt thà, bánh kẹo, mà chỉ gắng kiếm được vài cân gạo, cân sắn. Tôi đã chứng kiến một phiên chợ tết, khi một chiếc xe công nông chở sắn từ miền ngược về vừa đổ xuống là người ta xúm đen xúm đỏ... Nhớ tết xưa, buồn đến thắt lòng.
Khó mà so với siêu thị nơi phồn hoa đô hội, nhưng chợ quê bây giờ chẳng thiếu thứ gì. Sản vật trên rừng dưới biển, trong nước, ngoài nước có tất. Chợ Bơ (ảnh) - cái chợ ngày trước chúng tôi gọi đùa là chợ "ăn mày" vẫn còn cảnh cụ già bán mớ trầu không, em bé bán chú cún con, thậm chí có người cắt mấy tàu lá chuối non bán kiếm vài đồng ít ỏi... Nhưng liền đó là áo quần mấy dãy sặc sỡ sắc màu, mấy dãy thịt lợn, gà đã mổ treo từng dây như nhà máy chế biến thực phẩm; còn bánh kẹo, rượu bia, hàng tạp hóa thì cơ man thiên lủng... chỉ một quầy của tư nhân đã nhiều gấp mấy lần cửa hàng bách hóa cả xã ngày nào. Rồi hoa quả, nhất là hoa, từ hoa ly, thược dược, đại đóa đất Bắc đến hồng, lan Đà Lạt... chẳng thiếu loại nào! Cảnh bán mua, chào hỏi, nói cười... mới ồn ã, vui nhộn làm sao!
Mới 25-26 tháng Chạp mà không khí tết nhất đã đậm đặc xóm làng. Nhà nhà được sơn sửa sáng choang, đường đi lối lại phong quang, cắt tỉa phẳng phiu cầu kỳ và rất nhiều hoa. Lối xóm nhỏ người đi như trẩy hội. Năm nay tết nghỉ dài ngày nên con em đi làm xa về sớm, mang theo chút văn minh phố phường làm vui mắt thôn quê; mặc dù tôi biết chỉ vài ngày trước đó các cháu đang phải vắt sức làm thêm ca trong các khu công nghiệp ở Biên Hòa, Bình Dương... Nhưng ở đâu mà chẳng thế. Tết nhất là "kiếm củi cả năm để thiêu ba ngày". Vất vả búi xùi ở đâu không biết, khi về quê đều trở thành những "doanh nhân" thành đạt, áo quần dày dép vô ra, có đồng ra đồng vào, là niềm ước mơ của hậu thế!...
Theo thói quen, thời gian ngắn ngủi ở nhà, tôi vòng một lượt nhà các cô, dì, chú, bác; bây giờ không phải lục mở chum vại xem còn bao nhiêu khoai, lúa... mà biếu người dăm ba chục đồng gọi rằng, nhưng ai cũng xuýt xoa: Sao cháu cho nhiều thế...! Cử chỉ đó làm tôi trăn trở mãi.

  • Chú ở nhà thêm vài ngày nữa sẽ biết, bình thường đời sống của bà con đã khá, ngày tết thì thật sự là cả một sự đổi đời - anh trai tôi, một cán bộ ngành Giao thông vừa nghỉ hưu tâm sự... Không chỉ ba ngày tết mà lễ này, hội kia, cà rịch tình tang hết rằm tháng Giêng có làm gì mới tính và làm nông bây giờ cũng thật nhàn hạ, cắm cây mạ xuống ruộng rồi là có thể thong dong chờ đến mùa gặt...
    Vì công việc của cơ quan, tôi không thể hưởng trọn hương vị tết quê nhà, chiêm nghiệm những điều anh tôi kể. Đúng vào ngày có thể quây quần chén chú chén anh thì tôi phải lên đường mang theo bao nỗi vui buồn. Vui vì quê hương đổi sắc thay da từng ngày, tết quê vui vẻ đủ đầy. Nhưng trong cái đủ đầy, màu mè của tết quê, tôi vẫn thấy ẩn chứa một điều gì chưa trọn vẹn, thiếu chất đằm chắc, nội tại; nặng về "ngoại viện", cũng vì thế mà phảng phất sự hào nhoáng, hình thức... Quê tôi vùng biển, đất bãi ngang, nhưng hiện tại ngư nghiệp không còn; nông thì lớt pha lớt phớt, ruộng đồng vốn bé bằng bàn tay lại bỏ hoang hóa gần hết, nghề phụ không có gì, kinh doanh dịch vụ cũng không... "Tết ngắn" hay "Tết dài" đều trông vào mấy đồng lương của số công chức địa phương, thầy cô giáo, cán bộ công nhân nghỉ hưu, hay sự chi viện của con cái làm ăn xa, mà đa phần là lao động chân tay trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng lương ít ỏi thấm đẫm mố hôi!
    Thêm một nỗi niềm day dứt trong tôi, đó là việc xây cất mồ mả. Có thể có người cho là tôi lẩm cẩm. Việc cháu con "vinh quy bái tổ", ăn ra làm nên, xây cất mồ mả tổ tiên hoành tráng thì đã sao? Nhưng, giờ đây mỗi lần lên nghĩa địa thắp hương cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, tôi không khỏi không suy nghĩ. Dân quê tôi tự bao đời vẫn chỉ là những nông phu, ngư phủ nghèo, hiền lành chân chất, khiêm nhường, nhưng rất nhân văn, không ưa khoe khoang. Không ai tự hào với sự nghèo hèn, nhưng với tryền thống nhân văn thì tôi luôn nâng niu quý trọng. Bởi vậy, mấy năm trước, khi quy tập, xây cất phần mộ của các cụ nhà tôi, có người hỏi: - Nghe nói bây giờ chú đi làm chức to nhất xã, sao xây mộ cha mẹ bé thế? Chẳng rõ người ta hỏi đùa hay thật, tôi vẫn trả lời đúng với suy nghĩ của mình: - Cháu có làm chức gì cũng chỉ làm công ăn lương và cha mẹ cháu sinh thời mặc dù không đến nỗi khó khăn, nhưng sống tùng tiệm, ghét huênh hoang, lãng phí; chúng cháu có xây mộ to, tốn kém, chỉ làm cha mẹ buồn mà thôi...
    Tết nay, lên nghĩa địa thắp hương cho ông bà, cha mẹ mình, tôi như lạc giữa nhiều lăng mộ của những ông hoàng bà chúa. Hình như người xây sau không thể thua người làm trước; cứ thế cứ thế nhà nhà đua nhau xây lăng mộ hoành tráng cầu kỳ; mà tôi biết không ít cụ ông, cụ bà nằm dưới đó khi còn sống, quanh năm không có nổi một tấm áo manh quần cho đúng nghĩa... Lại chạnh lòng nghĩ về thế thái nhân tình!
    Suốt chặng đường "thượng kinh", hình ảnh tết quê cứ vương vấn trong tôi. Vui buồn lẫn lộn. Không giấu được niềm vui, nhưng vẫn mong một ngày về đón tết quê trong cái đủ đầy sở tại, bền vững; trong sự giàu có của những ông chủ nuôi tôm nước lợ ngay chính đồng đất quê mình, hay của những ngư phủ vừa sau một chuyến đánh bắt xa bờ trở về thuyền đầy ắp cá tôm..., của sự hài hòa nhân văn, mà không màu mè, hình thức...
    D.T