Tết ở Trường Sa

Lần tôi ra thăm đảo Nam Yết, Trung tá Đào Quốc Đạt, Chính trị viên, quê ở Thái Nguyên, ra đảo từ năm 2009 cho biết: Mỗi năm cán bộ, chiến sĩ tăng gia được gần 16.000kg rau xanh, gần 3.000kg thịt các loại và 5.000kg cá; tổng giá trị thành tiền khoảng 350 triệu đồng, đưa vào bữa ăn hàng ngày và các dịp lễ, tết. Như vậy cùng với quà từ đất liền chuyển ra bữa cơm Tết sẽ trở nên tươm tất. Còn Thượng úy Lương Văn Tình, 35 tuổi, quê ở Trực Ninh, tỉnh Nam Định ra đảo Nam Yết làm pháo thủ xe tăng từ tháng 12-2008, có “thâm niên” đón xuân trên đảo. Vừa lau khẩu súng, anh Tình vừa kể: Do lá dong vận chuyển nhiều ngày từ đất liền ra nên thường bị vàng. Anh em có sáng kiến lấy lá bàng vuông lót vào bên trong, do vậy bánh chưng vẫn có màu xanh, hương vị thơm ngon mang đặc trưng của mùi lá dong và lá bàng vuông hợp lại.
Có thể ví đảo Sinh Tồn Đông là một cù lao xanh cũng đúng. Những ngôi nhà cấp 4 khang trang nối với nhau bằng một hệ thống đường đi rải bê tông phẳng nhẵn, dưới tán cây tra, cây phong ba râm mát. Đảo được điện khí hóa bằng các trụ điện phong nên sinh hoạt của bộ đội cũng đàng hoàng. Đại úy Nguyễn Văn Thọ, quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tuy mới 36 tuổi nhưng anh có 10 năm làm việc ở các đảo Nam Yết, Đá Lát, Đá Nam; đến năm 2008 thì về Sinh Tồn Đông này. Thọ tâm sự: Cứ đến 29 Tết là các đảo lập bàn thờ Tổ quốc, mổ lợn gói bánh chưng. Đó là ngày các chàng lính trẻ háo hức nhất, vì đã rậm rịch chuẩn bị từ trước như ngâm gạo nếp, chọn lá dong, đỗ xanh, chuẩn bị khuôn gói bánh... chăm sóc con lợn cho cỗ lòng thật ngon. Thịt lợn cũng làm nhiều món như gói giò, nướng chả, thịt kho, thịt quay, nem trạo, nhất là món tiết canh là không thể thiếu. Mỗi tiểu đội, trung đội hay một cụm chiến đấu như một gia đình, cùng nhau chuẩn bị Tết cho thật tươm tất. Trung sĩ Vũ Văn Yên, 21 tuổi, quê Hải Hậu Nam Định, vừa đón cái tết đầu tiên trên đảo tâm sự: Ăn Tết ở Trường Sa có lúc cũng rất nhớ nhà. Nhất là khi giao thừa và đứng gác một mình. Em thường tưởng tượng lúc này bố mẹ làm gì, các em, các cháu ra sao. Nhưng khi quây quần cùng đồng đội hoặc nhắn tin vào đất liền thì lại thấy vinh dự, tự hào là người lính đảo.
Chúng tôi ngồi khá lâu với Thiếu úy Vũ Văn Thưởng, nhân viên thông tin trên đảo Len Đao. Tết này Thưởng vừa tròn 30 tuổi, gia đình em ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, vợ là giáo viên THCS, bố là CCB đã ngoài 70 tuổi. Ra đảo năm 2009, Thưởng kể: Tết ở ngoài này, những năm không có mai đào thật thì chúng em lấy những cây tra, cành bàng vuông tạo thế rồi buộc hoa, lá, nụ giả vào cũng đẹp mắt lắm. Bàn thờ Tổ quốc được ưu tiên số một, dùng cả vỏ chăn, vải hoa để làm. Cán bộ, chiến sĩ thi nhau trổ tài bày biện mâm ngũ quả thật khéo léo, trang trí cành đào, viết câu đối, làm báo tường, ra câu hỏi để hái hoa dân chủ... Khi mâm cơn tất niên đã xong, mọi người thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ, các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh trên quần đảo Trường Sa. Gần nhất là các liệt sĩ hi sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988. Chính trị viên của đảo là Đại úy Hà Văn Kiên, người huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cùng Đảo trưởng Chu Văn Phượng và cán bộ chi đoàn thường là linh hồn trong buổi hái hoa dân chủ đón giao thừa. Các anh cố gắng tạo không khí thật vui tươi, sôi nổi, đoàn kết để anh em đảo cảm thấy như ở quê nhà.
Từ Len Đao. chúng tôi đi 163 hải lý thì đến đảo chìm Đá Tây với 3 điểm A, B, C. Đây là đơn vị 5 năm liền đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” với 11 bằng khen của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và tỉnh Khánh Hòa trao tặng. Thiếu tá, đảo trưởng Nguyễn Văn Tính cho biết: Đảo vừa xây xong 3 ngôi nhà lâu bền và trạm thu phát vệ tinh, bên dưới là những bề chứa nước mưa đủ dùng quanh năm, với hệ thống điện bằng năng lượng mặt trời. Phòng Hồ Chí Minh của đảo có 10 đầu báo và 1.000 cuốn sách các loại. Ở những góc khuất, rộng chừng 1-2m2 của các tòa nhà bê tông xù xì thô cứng là vườn rau cải, rau dền xanh tốt, được che chắn cẩn thận bằng ni lông, mảnh thùng gỗ. Những nơi nhỏ hơn được đặt các chậu cây tra, cây bàng vuông tạo cảnh quan môi trường tươi mát. Tết trên đảo Đá Tây cũng đầy đủ như ở nhà. Những khi rỗi rãi anh em thường lái xuồng tới các điểm chúc tết đồng đội và khu dịch vụ hậu cần nghề cá. Đó cũng là nguồn động viên cán bộ chiến sĩ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ...
Ăn Tết, đón Xuân giữa bốn bề sóng nước, trong nỗi nhớ nhà vời vợi, nhưng người lính Trường Sa vẫn chắc tay súng. Mỗi đảo là một pháo đài vững chắc giữa biển khơi.
Tô Kiều Thẩm