Tết Hoa của người Cống

Người dân mang lễ vật cúng tới nhà thầy cúng để bắt đầu nghi lễ.

Người chủ trì lễ cúng là già làng, người có uy tín được bà con trong bản kính trọng và cũng chính là thầy cúng trong phần lễ. Lễ cúng cho Tết Hoa diễn ra tại nhà già làng.

Mỗi gia đình chuẩn bị lễ vật cúng để mang đến nhà thầy cúng, lễ vật bao gồm: Gà, sóc, chuột, cá suối, bí, khoai sọ, rượu ống..., tất cả được sắp theo đôi. Ngoài ra, họ còn chuẩn bị hoa mào gà, theo quan niệm, hoa mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Khi lễ vật đã được chuẩn bị chu đáo, mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặc trang phục dân tộc mình, xếp hàng bưng lễ vật đến nhà thầy cúng để bắt đầu nghi lễ cúng Tết Hoa.

Thầy cúng thay mặt dân bản báo cáo tình hình mùa màng, chăn nuôi, sức khỏe của bà con trong năm qua và cầu xin các thần linh, tổ tiên phù hộ dân bản sang năm mới dồi dào sức khỏe, mùa màng bội thu, cầu cho mọi sự tốt lành may mắn đến cho bản mường. Sau đó, thầy cúng nâng chén rượu chúc mừng mọi người sang năm mới những điều tốt đẹp nhất. Mọi người quây quần uống rượu cần và phá cỗ Tết tại nhà già làng, sau đó ai về nhà nấy để thực hiện nghi lễ Tết tại nhà mình và chuẩn bị đến bà con, hàng xóm đến chúc Tết.

Già làng Nạ Văn Phanh cho biết: Tết Hoa là dịp để bà con hướng về cội nguồn tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn với các thần linh đã phù hộ cho bà con một năm có sức khỏe và mùa màng tươi tốt đồng thời cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới.

Đêm đó, họ tập trung ở nhà văn hóa gõ chiêng, chũm chọe, hát múa tưng bừng. Họ cùng nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước bản mường bước sang một năm mới vạn vật sinh sôi nảy nở.

Ngày hôm sau, bà con trong bản tham gia phần hội với các tiết mục thi đặc sắc, các trò chơi dân gian như: Cà kheo, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy... Các trò chơi diễn ra sôi nổi trong sự cổ vũ nhiệt tình của bà con và khách mời.

Bá Luân